"Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa cả về xã hội lẫn giáo dục"
(Dân trí) - Chia sẻ về cảm xúc sau khi cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 khép lại, các khách mời trong buổi tọa đàm đều kỳ vọng các giải pháp và ý tưởng sẽ sớm được áp dụng trong thực tế.
Chiều ngày 30/12, Báo điện tử Dân Trí đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Tiềm năng ý tưởng-công nghệ Sáng kiến An toàn giao thông 2022" để gợi ý những định hướng phát triển nhằm ứng dụng các bài thi xuất sắc vào thực tế.
Tọa đàm có sự tham gia của bà Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo BK.AI, Đại học Bách Khoa, Giám khảo chấm thi hạng mục Giải pháp Công nghệ an toàn giao thông; ông Lê Bảo Trung - Trưởng ban khoa học giáo dục, Báo điện tử Dân trí, Giám khảo chấm thi hạng mục Giải pháp Công nghệ an toàn giao thông cùng hai đại diện tác giả là ông Dương Anh Tuấn, giải Nhất hạng mục Ý tưởng và anh Đỗ Huy Anh giải nhất hạng mục Giải pháp công nghệ.
Đánh giá chung về cuộc thi, bà Nguyễn Phi Lê, cho hay đây là lần đầu tiên được tham gia tổ chức một chương trình với bài toàn ảnh hưởng tới rất nhiều người, đó là giao thông.
"Thời gian từ lúc đưa ra bài toán, tập dữ liệu cho đến lúc các đội đưa ra giải pháp rất ngắn, chỉ trong vòng 2 tháng. Nhưng tại buổi thi chung kết, khi chứng kiến các đội trình bày giải pháp thì các thành viên trong ban giám khảo đều rất bất ngờ, vì chất lượng bài thi rất tốt, và có nhiều giải pháp ứng dụng các công nghệ mới, sản phẩm mang ra trình bày cũng đạt đến một mức độ hoàn thiện khá cao", bà Lê chia sẻ.
Đại diện sản phẩm giành giải Nhất hạng mục Công nghệ cho giải pháp Hệ thống quản lý giao thông thông minh, anh Đỗ Huy Anh cho hay công nghệ cốt lõi trong sản phẩm này là AI và học máy. Tuy nhiên, tác giả này cũng chỉ rõ các hạn chế từ giải pháp của mình với mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhằm đưa sản phẩm sớm hoàn thiện.
"Để có thể giúp cho ứng dụng này hoàn thiện hơn thì điều tiên quyết là phải có một bộ dữ liệu về giao thông Việt Nam đủ lớn để đảm bảo thông tin đầu vào. Nhóm chỉ là những sinh viên, không thể có đủ tiềm lực để xây dựng một hệ thống lớn như thế nên nhóm rất mong có một doanh nghiệp hoặc các cơ quan liên quan có thể cung cấp hỗ trợ cho nhóm xây dựng được một sản phẩm hoàn thiện, hoàn chỉnh", anh Đỗ Huy Anh nói.
Giám khảo Lê Bảo Trung, Trưởng ban khoa học giáo dục, Báo điện tử Dân trí, Giám khảo chấm thi hạng mục Giải pháp Công nghệ an toàn giao thông đánh giá cuộc thi có cái nhìn công tâm về hàm lượng công nghệ khi hội tụ trong ban giám khảo là những nhà khoa học hàng đầu về công nghệ thông tin. Dưới góc nhìn về khả năng áp dụng vào thực tế, nhà báo Lê Bảo Trung cho rằng với đặc trưng của vòng thi hackathon là các bạn thí sinh sẽ phải lập trình và đưa ra được sản phẩm, nên quá trình đo đếm khả năng phù hợp thực tế của giám khảo sẽ chính xác hơn.
"Những giải pháp đạt giải đều cho thấy tiềm năng thực tế. Nếu các công ty sản xuất thiết bị có thể sử dụng hoặc tham khảo để sản xuất thiết bị, thì việc sản xuất có thể thực hiện đại trà ngay, thuận tiện áp dụng với quy mô lớn", ông Trung cho hay.
Giành giải Nhất tại hạng mục Ý tưởng, sản phẩm "Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng giao thông đường bộ tại Thủ đô Hà Nội, TPHCM" thực tế đã được tác giả Dương Anh Tuấn "thai nghén" trong suốt 6 năm kể từ năm 2016. Đến năm 2021, khi ý tưởng này được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội áp dụng thí điểm vào nút giao Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo và thành công, ông đã mang sản phẩm đến cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 với mong muốn nếu có thể áp dụng rộng rãi giải pháp này.
"Theo tính toán của tôi, nếu áp dụng trên toàn thành phố, tôi ước tính sẽ hết khoảng một năm. Nếu chúng ta áp dụng ngay, đúng tầm này sang năm, Hà Nội sẽ hết tắc đường, chắc sẽ khiến mọi người ngỡ ngàng", ông Dương Anh Tuấn khẳng định. Thậm chí, tác giả này còn gợi ý một số nút giao có thể sớm đưa vào thử nghiệm như BigC, Ngã Tư Sở… với cam kết sử dụng tài chính của bản thân để chứng minh tính hiệu quả của ý tưởng.
Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, TS Nguyễn Phi Lê khẳng định cuộc thi mang ý nghĩa quan trọng với sinh viên ngành công nghệ trong cả nước khi đem lại cơ hội áp dụng thực tế những kiến thức đã học vào giải quyết bài toán cụ thể của giao thông Việt Nam.
"Các sinh viên tại Đại học Bách Khoa được học về AI, về học máy, về các bài toán nhận diện vật thể, tối ưu hóa… nhưng cơ hội để áp dụng các bài học đó vào bài toán giao thông thực tế ở Việt Nam thì gần như không có. Qua cuộc thi này, đây là lần đầu tiên những người tham gia được tiếp cận trực tiếp với bộ dữ liệu liên quan đến tình hình giao thông ở Việt Nam từ camera ghi hình ở các ngã tư hay số liệu về tai nạn giao thông. Đó là những bài học thực tế rất thiết thực để sinh viên có thể tiếp cận ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chính các em cũng sẽ ý thức được những điều mình học có thể giúp ích như thế nào cho xã hội", nữ giám khảo bày tỏ.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.
Để xem thêm toàn bộ thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, các sản phẩm trong top 20, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.
Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.