Sẵn sàng sơ tán dân vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình
Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. <br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-kalmaegi-giat-cap-16-co-the-anh-huong-truc-tiep-den-mien-bac-943373.htm'><b> >> Bão Kalmaegi giật cấp 16 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc</b></a>
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện 21 yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi).
Hướng đi của bão Kalmaegi.
Công điện nêu rõ:
1. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các Bộ ngành liên quan cần:
Theo dõi, kiểm đếm, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và neo đậu an toàn. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 16 và phía Đông Kinh tuyến 112, sau đó vùng nguy hiểm là vùng biển Bắc Vĩ tuyến 12, bao gồm cả vịnh Bắc Bộ.
Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông; tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ công trình xây dựng; bảo vệ lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
2. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc rà soát và có phương án sơ tán dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng trực, gác tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn; có phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đặc biệt là các hồ đã đầy nước và có nguy cơ bị sự cố.
3. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ kiểm tra, rà soát phương án chống ngập đô thị, phương án chống úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tổ chức chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.
4. Bộ Ngoại giao có phương án liên hệ với các nước trong khu vực để tạo điều kiện và giúp đỡ cho tàu thuyền, ngư dân vào trú tránh bão.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến của bão và cảnh báo về mưa lũ sau bão, tuyên truyền để người dân biết về các hiểm họa do bão và lũ, lũ quét, sạt lở đất sau bão, đặc biệt là khi đi qua ngầm, suối.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.
Theo Mai Anh
VOV-Trung tâm Tin