1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tín dụng HSSV cho... người giàu:

Sai phạm do… “mơ hồ” với chính sách?!

(Dân trí) - Gần 1 năm Quyết định 157 về tín dụng đối với HSSV có hiệu lực, sự mơ hồ, tắc trách trong công tác thực thi ở Vĩnh Phúc vẫn còn hiện hữu. Làm việc với Dân trí, các lãnh đạo chính quyền cơ sở thừa nhận đó là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm…

Bảo lưu hồ sơ, văn bản, giấy tờ là nguyên tắc bắt buộc trong công tác quản lý hành chính. Tuy nhiên, ở hầu hết địa phương của Vĩnh Phúc khi chúng tôi đến làm việc đều không có hồ sơ lưu (!?).

Điển hình là ở thị trấn Hợp Hoà (huyện Tam Dương), khi PV đề nghị cung cấp những văn bản pháp lý liên quan đến các đối tượng vay vốn thì cán bộ phụ trách về tín dụng không nắm được tình hình mà phải “chạy ngược, chạy xuôi” tìm tổ trưởng các tổ vay vốn để lấy tài liệu.

Đề nghị giải thích về những đối tượng cho vay sai, bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ, cán bộ phụ trách tín dụng về vay vốn HSSV phường Trưng Nhị (thị xã Phúc Yên) cho hay: “Ngân hàng nói rằng tất cả HSSV, chỉ cần xin giấy xác nhận của nhà trường về là được giải ngân ngay”.

Ngay sau khi bài báo đăng (kỳ 1), thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được từ ông Nguyễn Viết Thắng thì ngay từ chiều nay (6/8/2008), NHCSXH tỉnh sẽ bắt đầu đợt kiểm tra cao điểm tại các địa phương có sai phạm mà Dân trí phản ánh.

 

Tất cả các đối tượng được vay sai chính sách sẽ tiến hành thu hồi vốn ngay và địa phương đầu tiên tiến hành kiểm tra là phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên).

Còn ông Nguyễn Hữu Mỉnh, Chủ tịch UBND phường Trưng Nhị thì ngỡ ngàng: “Đến giờ, tôi cũng chưa xem kỹ quyết định. Tôi cứ nghĩ là ai có nguyện vọng vay thì được vay, họ vay tiền của Nhà nước thì họ phải có trách nhiệm chứ không nghĩ là phải căn cứ vào những tiêu chí, đối tượng như thế này…”. Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, ông Mỉnh xác định với PV Dân trí: phường đã xác nhận cho vay sai đối tượng tới… 60%.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi về sai phạm trong việc xác nhận và vay vốn ở xã Vân Xuân (huyện Vĩnh Tường), ông Lê Văn Chất, Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Văn Lượng, Cán bộ phụ trách tín dụng về vay vốn HSSV buộc phải thừa nhận nhiều trường hợp trong xã được cấp sai đối tượng.

Tuy nhiên, khi hỏi nguyên nhân sai phạm thì ông Lượng biện minh rằng: Do hoàn cảnh nhất thời. Trường hợp của hộ chị Lê Thị Hồng Nghi (phản ánh trong bài 1 - PV), thời điểm đó mẹ chồng mất, con gái lấy chồng nên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi căn cứ vào đó để xác nhận gia đình chị Nghi là hộ “khó khăn”!

Tại trụ sở UBND phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên), ông Trần Đình Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường thẳng thắn: Chúng tôi xin nhận trách nhiệm vì đã làm chưa chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xác nhận các đối tượng vay vốn và xin rút kinh nghiệm. Phường xin hứa sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ và có báo cáo chính xác nhất về công tác tín dụng vay vốn HSSV theo Quyết định 157.

Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Tích Sơn cũng thừa nhận: Chúng tôi làm việc cho Nhà nước nhưng do chủ quan nên đã làm sai chính sách… Chúng tôi sẽ họp Ban chỉ đạo để rút kinh nghiệm và tiến hành rà soát lại toàn bộ các đối tượng vay vốn. Những đối tượng cho vay sai thì chúng tôi sẽ cho dừng ngay và phối hợp với ngân hàng để thu hồi vốn. 

Sai phạm do… “mơ hồ” với chính sách?! - 1
  

Hồ sơ lưu của địa phương phần lớn là danh sách viết
tay không đầy đủ.

Hàng loạt sai phạm trong công tác xác minh, xác nhận, quản lý hồ sơ đối với các đối tượng vay vốn theo Quyết định 157 ở tỉnh Vĩnh Phúc đã rõ. Lãnh đạo các địa phương đều xin chịu trách nhiệm và hứa sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả các hộ vay. Còn phía ngân hàng, ngân hàng đã làm gì trong 1 năm qua?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Thắng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc quả quyết: “Ngân hàng căn cứ vào danh sách, hồ sơ do địa phương gửi lên để giải ngân. Ngân hàng không có trách nhiệm phải xuống địa phương xác minh lại mà chỉ kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Sau khi giải ngân chúng tôi mới tiến hành đi kiểm tra, nếu phát hiện các đối tượng vay sai thì chúng tôi thu hồi vốn”.

“Tính đến hết tháng 6/2008, Vĩnh Phúc có 13.280 đối tượng được vay vốn, NHCSXH tỉnh đã giải ngân được 102.217.000.000 đồng. Từ năm 2007 - 2010, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất đối với chương trình vay vốn HSSV, vì vậy người vay chỉ phải trả cho ngân hàng 0,25% lãi suất” - ông Thắng cho biết.

Câu hỏi đặt ra ở đây là không hiểu trong số hơn 102 tỷ đồng kia thì số vốn “được” giải ngân cho người giàu chiếm bao nhiêu %?

Cũng theo ông Thắng, NHCSXH tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát các đối tượng vay vốn để tránh làm sai lệch chính sách và đã phát hiện ra 3 trường hợp “được” vay sai (1 ở huyện Tam Dương, 2 ở phường Ngô Quyền và đã tiến hành thu hồi vốn. Tuy nhiên, 3 trường hợp này được phát hiện trước khi NHCSXH tiến hành kiểm tra - PV).

Bàn về nguyên nhân cho vay sai đối tượng, ông Thắng nhận định vì các địa phương chưa nghiên cứu kỹ quyết định nên xác nhận sai; lực lượng kiểm tra của ngân hàng còn mỏng nên không thể rà soát, xác minh được toàn bộ các đối tượng vay vốn; bên cạnh đó, sự nể nang trong mối quan hệ hàng xóm, làng xã của cán bộ với người dân…

Sau 1 năm thực hiện quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV, Vĩnh Phúc chỉ là 1 trong rất nhiều địa phương xảy ra hiện trạng hộ giàu được xác nhận là khó khăn để vay vốn của hộ nghèo. Chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng, nghiêm túc và có các biện pháp thanh, kiểm tra cụ thể các đối tượng vay vốn để chính sách tín dụng đối với HSSV thực sự phát huy tác dụng cao quý.

Đối tượng được vay vốn:

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

(Nội dung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV)

Cẩm Chướng