1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết luận thanh tra của Chính phủ:

Sai phạm chưa từng có tại LILAMA

Cố ý làm trái quy chế đấu thầu, bán thầu vô tội vạ, rút ruột công trình để hưởng chênh lệch hàng trăm tỷ đồng. Đó là những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng tại Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 3/6.

Rút ruột thiết bị để hưởng chênh lệch hàng chục triệu USD

 

Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng có tổng vốn đầu tư trên 4.271 tỉ đồng do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và LILAMA được chỉ định làm nhà thầu chính thực hiện hợp đồng EPC (thiết kế, chế tạo, cung cấp, lắp đặt, thử nghiệm và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng nhà máy) gói thầu số 7 - gói thầu quan trọng nhất, có dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 216,76 triệu USD (chiếm trên 70% giá trị dự án).

 

Tuy nhiên, chủ đầu tư (EVN) và tổng thầu LILAMA đã làm trái các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó có quy chế quản lý và đầu tư của Chính phủ.

 

Cụ thể, tờ trình số 63 ngày 10/3/2003 của EVN trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả đấu thầu gói thầu số 7, nhưng thực tế hai đơn vị này không tổ chức đấu thầu; giá đề nghị chỉ định thầu 267,1 triệu USD chỉ căn cứ vào các lần chào giá và vượt so với dự toán được Bộ Công nghiệp duyệt 23,73 triệu USD và vượt dự toán 50,34 triệu USD so với giá trị gói thầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

 

Hơn nữa các thiết bị lại đổi từ của các nước G7 chủ yếu của Nhật, Mỹ, Pháp (có chất lượng tốt) sang G8 chủ yếu của Nga (chất lượng thấp hơn).

 

Chưa dừng lại, LILAMA còn ký hợp đồng với các nhà thầu phụ cung cấp thiết bị với số tiền chênh lệch lên đến 40 triệu USD (so với giá ký với EVN). Đó là chưa kể đến 4 gói thầu phụ khác, LILAMA không cung cấp tài liệu cho đoàn thanh tra giá trị thực của 4 gói thầu này là bao nhiêu và cũng không giải trình được số liệu chênh lệch nói trên mặc dù đoàn thanh tra đã yêu cầu.

 

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, LILAMA được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tổng thầu, được hưởng các ưu đãi: miễn thuế, kinh phí quản lý dự án và lợi nhuận, nhưng LILAMA lại ký với các nhà thầu phụ còn có khoản chênh lệch lên đến 40 triệu USD, là điều cần được làm rõ.

 

Ngoài ra, đối với những máy móc, thiết bị do LILAMA nhập về và tự gia công; việc chỉ định các đơn vị thành viên và một số đơn vị khác thực hiện các hạng mục khác của dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng có đảm bảo đúng trình tự và chất lượng không, theo Thanh tra Chính phủ, cũng là vấn đề cần được kiểm tra, kết luận trước khi đưa nhà máy vào hoạt động.

 

Cố ý làm trái quy chế đấu thầu

 

Trong giai đoạn 1 và 2 của Dự án mở rộng sản xuất Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng (LISEMCO), với tư cách là chủ đầu tư, LILAMA đã mua sắm 213 thiết bị. Tuy nhiên khi chào hàng cạnh tranh mua 3 máy có giá trị trên 2 tỉ đồng LILAMA đã không tổ chức đấu thầu theo quy định.  

 

Về chất lượng máy nhập, có 4 máy khi bàn giao đưa vào vận hành thì gặp sự cố (bị nứt, hỏng) phải sửa chữa. LILAMA là chủ đầu tư nhưng không lập yêu cầu chào hàng, thiếu tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, nên không thể xác định được yêu cầu cụ thể của từng loại thiết bị để làm cơ sở cho nhà thầu chào giá.

 

Có thiết bị chỉ có 2 hãng chào hàng như máy cắt nhiều mỏ (302 triệu đồng), máy hàn dầm tự động (1,59 tỉ đồng), máy uốn thép hình (276,9 triệu đồng). Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm việc làm sai này thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thế Thành và Tổng Giám đốc Phạm Hùng.

 

Ở giai đoạn 2 của dự án LISEMCO, lãnh đạo Bộ Xây dựng ký Công văn số 1859 ngày 16/10/2001 trong đó cho phép LILAMA "phần thiết bị 65,156 tỉ đồng theo danh mục trong dự án khả thi đã được phê duyệt và được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho từng thiết bị", trong đó có thiết bị mua trên 2 tỉ đồng là trái với quy chế đấu thầu.

 

Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Xây dựng. Đối với một số thiết bị đã mua trước khi dự án được phê duyệt như máy uốn tôn Davi, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư. Quá trình sử dụng LISEMCO không có nhật ký vận hành là trách nhiệm thuộc giám đốc LISEMCO.

 

Bán thầu vô tội vạ

 

Về xây lắp thực hiện dự án, tại Công văn số 1506 ngày 15/11/1997 lãnh đạo Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Quân ký phê duyệt cho phép LILAMA "tự thi công các hạng mục xây lắp...", trong đó có cả những công việc không thuộc chuyên ngành của chủ đầu tư.

 

Vì vậy, các đơn vị tự thực hiện do LILAMA chỉ định thi công các hạng mục thuộc chuyên ngành, còn lại giao cho đơn vị khác ngoài công ty thực hiện và giữ lại phần trăm chi phí dưới dạng bán thầu. Chỉ riêng những hạng mục được thanh tra, các nhà thầu đã trích lại trên 729,7 triệu đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, có một số hạng mục LISEMCO đã thực hiện trước khi thiết kế được phê duyệt.

 

Cũng theo kết luận của cơ quan thanh tra, Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT LILAMA phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất lãnh đạo Bộ Xây dựng cho phép tự làm phần xây lắp thực hiện dự án, song có nhiều hạng mục lại giao cho đơn vị khác làm dưới dạng bán thầu nhưng không báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng.  

 

Trong quá trình lập thiết kế dự án xây dựng cầu cảng giữa 2 giai đoạn cho LISEMCO, chủ đầu tư đã không tính đến việc sạt lở bờ sông, nên phải tiến hành làm kè giai đoạn 1 tốn trên 1 tỉ đồng. Đến khi san lấp bãi lắp ráp giai đoạn 2 lại lấp kè bờ, gây lãng phí số tiền này cùng với 171 triệu đồng chi phí nạo vét lần 1. Đã vậy, trong hồ sơ hoàn công cũng không có nhật ký thi công theo quy định. Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư.

 

 Đối với dự án đầu tư nâng cấp nhà cơ khí trị giá 601 triệu đồng, do quy hoạch không đồng bộ, mới đầu tư năm 1998 nhưng đến 2001 đã phá dỡ và chỉ thu hồi được hơn 70 triệu đồng, gây lãng phí 531 triệu đồng.

 

Theo cơ quan thanh tra, dự án mua sắm trang thiết bị do LILAMA làm chủ đầu tư và trực tiếp giao cho LISEMCO sử dụng, nhưng LILAMA lại hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty tổng cộng gần 34,77 tỉ đồng (tính đến 31/12/2003), trong khi LISEMCO là đơn vị hạch toán độc lập. Việc làm này trái với nguyên tắc quản lý tài chính, tạo điều kiện để tăng lợi nhuận cho LISEMCO, do đó trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Phạm Hùng.

 

Ngoài ra, tổng công ty còn có những vi phạm khác như không mua bảo hiểm công trình theo quy định nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; thời gian thực hiện dự án kéo dài gần 6 năm so với quyết định đầu tư ban đầu...  

 

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là Tổng Công ty 90 được thành lập theo Quyết định số 999 ngày 1/12/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có chức năng, nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh xây dựng theo quy hoạch kế hoạch phát triển ngành xây dựng của Nhà nước trong các lĩnh vực: thi công lắp đặt thiết bị máy móc; thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, bưu điện, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp, các công trình đường dây, trạm biến thế điện...

LILAMA có 15 đơn vị hạch toán kinh tế độc lập (là 15 công ty lắp máy và xây dựng trên toàn quốc); 2 đơn vị sự nghiệp và 1 đơn vị hạch toán nội bộ.

Từ năm 2000 đến 2003, ngoài các dự án đầu tư do các đơn vị thành viên thực hiện, LILAMA đã trực tiếp làm chủ đầu tư 6 dự án (mua sắm trang thiết bị) thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư 353,1 tỉ đồng, trong đó riêng dự án mở rộng sản xuất Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng (giai đoạn 1, 2, 3) chiếm 178,5 tỉ đồng. Ngoài ra, LILAMA còn được chỉ định làm nhà thầu chính Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư 4.271,12 tỉ đồng - tương đương 305,08 triệu USD)...

 
Theo Sài gòn giải phóng
Dòng sự kiện: LILAMA