1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

LILAMA kiến nghị: Kết luận thanh tra thiếu chính xác

Ngay khi nhận được kết luận thanh tra của Tổng Thanh tra - Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) lập tức có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình nhiều vấn đề trong kết luận thanh tra này.

Công văn số 1342TCT/KH-ĐT do ông Phạm Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) ký ngày 10/6/2005 giải trình chi tiết một số vấn đề trong 2 việc chính mà LILAMA đã và đang tiến hành: ''Dự án đầu tư mở rộng sản xuất Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng'' và ''Gói thầu số 7 dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 300MW''. Sở dĩ có những giải trình này vì LILAMA cho rằng ''việc kết luận và kiến nghị của Tổng Thanh tra - Thanh tra Chính phủ là chưa đủ cơ sở và thiếu chính xác''.

 

Về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng

 

Theo giải trình của LILAMA, kết luận thanh tra cho rằng LILAMA đã làm trái quy chế đấu thầu vì đã ''mua 213 thiết bị ở giai đoạn I và II, có 3 thiết bị giá trị trên 2 tỉ đồng được Tổng Công ty tiến hành mua sắm theo hình thức chào hàng cạnh tranh'' là chưa chính xác. Do đặc thù ngành lắp máy, để kịp thời đáp ứng các đơn hàng và hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư và Tổng thầu nước ngoài, chế tạo hàng chục ngàn tấn thiết bị cho các dự án xi măng: Nghi Sơn, Sao Mai, Bút Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp; các dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh; các dự án nhiệt điện trong khu vực Phú Mỹ nên LILAMA phải mua ngay 3 thiết bị phục vụ thi công, giảm chi phí thuê thiết bị của nước ngoài.

 

Việc mua sắm này được xem như mua sắm trang thiết bị phục vụ thi công các công trình, sau đó huy động vào dự án, vì vậy còn một số thủ tục chưa đầy đủ chứ không phải làm trái. Các thiết bị còn lại đều có đầy đủ yêu cầu chào hàng, tiêu chuẩn đánh giá, điều kiện thương mại theo Quy chế đấu thầu và chào hàng cạnh tranh, thực chất đã tìm được các nhà cung cấp uy tín, thiết bị đảm bảo chất lượng, giá thấp và giao hàng đúng tiến độ.

 

Trong quá trình nghiệm thu, LILAMA đã đưa ra quy trình thử với yêu cầu khắt khe về mức độ chịu tải, công suất máy... để nếu có thiếu sót sẽ bộc lộ ngay và yêu cầu nhà cung cấp đền bù. Trong 91 thiết bị của giai đoạn I, chỉ 4 thiết bị trong khi chạy thử xảy ra hỏng hóc. LILAMA đã lập biên bản yêu cầu thay thế và nhà cung cấp đã nghiêm túc thực hiện (đúng như trong Kết luận thanh tra). Từ thời điểm chính thức bàn giao đến nay, tất cả các thiết bị đều làm việc tốt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và phát huy hiệu quả đầu tư.

 

LILAMA khẳng định khoản a mục 2.1 Kết luận Thanh tra nêu: ''Phần khối lượng tự thi công các hạng mục xây lắp đã giữ lại một tỉ lệ % chi phí dưới dạng bán thầu'' là sai bản chất sự việc. Kể cả dự án do LILAMA là chủ đầu tư và các dự án do các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay thương mại của ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phát triển, vốn tự có và vốn tự huy động, tự vay tự trả, trong quá trình sử dụng đều trả nợ gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng đầy đủ.

 

Để phát huy tối đa nguồn lực cũng như tiết kiệm chi phí, đảm bảo đầu tư hiệu quả, chủ trương của LILAMA xin phép được tự thực hiện là hợp lý và đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 1506/QĐ-BXD ngày 15/11/1997. Một số phần việc liên quan công tác xây dựng, chuyên ngành xây dựng thủy đã được LILAMA và các công ty thành viên giao lại cho các đơn vị chuyên ngành thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.

 

Cụ thể trong giai đoạn I và II của Dự án đầu tư mở rộng sản xuất Công ty chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng, tổng giá trị xây lắp tự thực hiện là 55,995 tỉ đồng, giá trị giao cho Công ty Công ty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng (LISEMCO) và Công ty Lắp máy & xây dựng Hà Nội là 52,978 tỉ đồng (trong đó phần chi phí chung là 2,423 tỉ đồng); phần giá trị LISEMCO và Công ty Lắp máy & xây dựng Hà Nội giao cho thầu phụ là 13,344 tỉ đồng (theo số liệu của Kết luận thanh tra) tương đương 25,19%.

 

Như vậy, giá trị giao lại cho thầu phụ của LISEMCO và Công ty Lắp máy & xây dựng Hà Nội không vượt quá 30% giá trị phần khối lượng được LILAMA giao 2 công ty này tự thực hiện. Mặt khác, chi phí giữ lại thầu chính của 2 công ty này là 627 triệu đồng - nằm trong chi phí chung đã được LILAMA thanh toán. Tùy theo tính chất công việc, chi phí thầu chính giữ lại đều được hạch toán trong sổ sách kế toán của các công ty theo chế độ hiện hành và được sử dụng cho: chi phí quản lý, giám sát chất lượng, điều động tiến độ, chi phí điện nước phục vụ thi công và hoàn tất các hồ sơ thanh quyết toán (theo đúng Qui định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước). Do đó, LILAMA khẳng định kết luận ''bán thầu'' là chưa phù hợp.

 

Tháng 7/1996, LILAMA tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Hải Phòng (từ Sở Công nghiệp TP Hải Phòng) trong tình trạng gần như phá sản và quyết định đầu tư cải tạo, mở rộng sản xuất, nâng cấp lại toàn bộ nhà máy này. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các nhà máy cơ khí nói chung là cả một quá trình dài và thời gian hoàn vốn lâu. Để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, LILAMA phải đứng ra thực hiện vai trò là chủ đầu tư nhận nợ vay của ngân hàng, do đó chưa thể bàn giao cho LISEMCO ngay mà phải hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất của Tổng Công ty.

 

Trong giai đoạn tiến độ thi công gấp, LILAMA đã phải huy động thêm từ 1 đến 3 công ty thành viên chế tạo thiết bị cho các công trình trên mặt bằng nhà máy. Do vậy, theo giải trình của LILAMA, việc trích khấu hao giai đoạn I được điều tiết trên Văn phòng Cơ quan của Tổng Công ty là phù hợp thực tế. LISEMCO cũng vì thế mà thoát khỏi tình hình tài chính khó khăn, tránh bị phá sản, nhanh chóng phát triển công tác chế tạo cơ khí của mình và đến nay đã trở thành một trong những công ty chế tạo cơ khí hàng đầu của Việt Nam. Nhìn từ góc độ LILAMA, biện pháp trên cũng chính nhằm cân đối sự phát triển đồng đều giữa các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty.

 

Về gói thầu số 7 dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 300MW

 

LILAMA với vai trò là Tổng thầu EPC đã giải trình: Nhằm phát huy nội lực, dần thoát khỏi cảnh làm thuê cho người nước ngoài trên đất nước mình, các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng vươn lên làm chủ các công trình trọng điểm trong vai trò Tổng thầu EPC, theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ. Ngày 6/12/2000, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 163/TB-VPCP đồng ý về nguyên tắc giao LILAMA làm thí điểm nhà thầu chính: xây lắp, cung cấp thiết bị, thiết kế chi tiết, gia công , lắp đặt 2 dự án nhóm A sử dụng vốn trong nước là dây chuyền 3 của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng.

 

Ngày 21/3/2001, Chính phủ ra Quyết định 213/CP-CN chỉ đạo cơ chế thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, trong đó nêu rõ tại điều 1: ''Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được phép chỉ định đơn vị tư vấn nước ngoài liên danh với Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Chủ đầu tư lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, lập kế hoạch đấu thầu trong đó có gói thầu về thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp (EPC) để trao cho Tổng Công ty lắp máy Việt Nam thực hiện...'' và đặc biệt tại điều 2: ''đồng ý chỉ định Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng EPC theo hình thức chìa khóa trao tay. Nhà thầu chính có trách nhiệm lựa chọn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật cho mình, cung cấp thiết bị chính, phụ, thi công xây lắp, gia công thiết bị phi tiêu chuẩn...''.

 

Căn cứ cơ sở pháp lý trên, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã chọn nhà tư vấn thiết kế là PECC 1 và EDPC (Nhật) và PPI (Úc) để lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và hồ sơ mời thầu. Ngày 26/7/2002, EVN phát hành ITB cho LILAMA. Ngày 18/1/12002, LILAMA cùng tư vấn của mình hoàn thiện hồ sơ chào thầu trình EVN với giá 333,990 triệu USD (trong đó, lò hơi của Mỹ và turbine của Pháp). Tuy nhiên, phương án này chưa được EVN đồng tình.

 

Ngày 6/12/2002, LILAMA trình EVN phương án 2 với lò hơi và turbine đều của Nga (thay đổi nguồn gốc thiết bị từ các nước G7 sang G8 nhưng vẫn tuân thủ yêu cầu của chủ đầu tư) với giá 275.166.265 USD. Song, EVN vẫn cho giá chào này cao và yêu cầu LILAMA tiếp tục giảm. Sau khi cân đối lại, chịu giảm lợi nhuận của mình cũng như chi phí thuê tư vấn nước ngoài, LILAMA đã hạ giá chào xuống còn 270.983.714 USD, rồi cuối cùng là 267,1 triệu USD - được EVN và Bộ Công nghiệp chấp nhận.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngoài nước, cũng như đối chiếu với giá Phả Lại II trước đó 5 năm và giá mở thầu Cẩm Phả sau đó 1 năm, giá chào thầu 267,1 triệu USD của LILAMA là thấp. Ngày 10/3/2003, EVN đã gửi Tờ trình số 63/TTr-EVN-QLĐT về kết quả thương thảo lên Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, ghi rõ: ''Giá đề nghị trúng thầu thấp hơn giá trị tổng dự toán có tính đến dự phòng và trượt giá là 267,28 triệu USD''. Cùng Tờ trình này của EVN, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công nghiệp và LILAMA đều gửi văn bản lên Chính phủ. Ngày 21/4/2003, Chính phủ ra công văn 496/CP-CNP nêu rõ: ''đồng ý đề nghị về việc chỉ định Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam là nhà thầu chính ký hợp đồng EPC...''. Công văn này cũng đề nghị Bộ Công nghiệp hướng dẫn EVN và LILAMA rà soát lại các nội dung hợp đồng trước khi ký, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và tiến độ.

 

Ngày 19/5/2003, hợp đồng tổng thầu EPC giữa chủ đầu tư và LILAMA mới chính thức ký kết, dự kiến thực hiện trong 36 tháng. Đến thời điểm thanh tra, công việc thương thảo các hợp đồng theo kế hoạch đã lập đang được thực hiện, nhiều hợp đồng mua sắm và xây dựng chính đã hoàn tất nhưng cũng còn khối lượng lớn công việc chưa bắt đầu hoặc đang dang dở, một số hợp đồng mua sắm và xây lắp chưa được ký kết. Vì lẽ đó, LILAMA kiến nghị phần kết luận thanh tra có ghi: ''LILAMA ký hợp đồng với các nhà thầu phụ cung cấp thiết bị có chênh lệch 40 triệu USD (so với giá ký EVN)'' là không chính xác vì việc thanh tra không thể có cơ sở đầy đủ khi nhiều phần việc còn chưa hoàn thành. Trong quá trình thanh tra, LILAMA đã cung cấp đầy đủ các hợp đồng phụ đã ký, còn nhiều hợp đồng khác chưa ký thì chưa thể có để cung cấp. Hơn nữa, dự án này lại không nằm trong quyết định và kế hoạch thanh tra của đoàn.

 

LILAMA cho biết, hiện nay công việc thiết kế đạt khoảng 95%, mua sắm (thiết bị đến công trình) đạt 75%, phần xây dựng đạt 65%, phần chế tạo thiết bị tại chỗ đạt 80% - nghĩa là công trình đang thực hiện dở dang, dự án đang được triển khai nên chưa thể có số liệu đầy đủ làm cơ sở hạch toán lỗ - lãi cho công trình (chưa kể các rủi ro đã và sẽ gặp phải). Dự kiến, đến 19/5/2006, công trình sẽ chạy thử, bàn giao.

 

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc kiến nghị của Tổng Thanh tra - Thanh tra Chính phủ và tường trình của LILAMA để cho ra kết luận cuối cùng. Về phần mình, LILAMA cho rằng hợp đồng EPC ký kết giữa EVN (chủ đầu tư) và LILAMA (nhà thầu) được thương thảo, tranh luận, bàn bạc và cân nhắc rất kỹ lưỡng về mọi mặt: kỹ thuật, công nghệ, thiết bị, giá cả trong một thời gian khá dài mới được chủ đầu tư và tư vấn của chủ đầu tư chấp thuận. Cuối cùng, được sự phê duyệt của Bộ Công nghiệp và Chính phủ, LILAMA là người thực hiện.

 

LILAMA cũng đưa đầy đủ các cơ sở pháp lý, hồ sơ, tài liệu để khẳng định ''là một Tổng Công ty Nhà nước có truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, đã và đang tham gia các công trình trọng điểm của Nhà nước, với đội ngũ 20.000 người lao động, hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trên khắp miền đất nước, LILAMA phải luôn khẩn trương, linh hoạt trong mọi tình huống, điều động, huy động thiết bị cho các đơn vị đáp ứng kịp yêu cầu sản xuất. Trong việc đầu tư này không hề có sự thất thoát, tham nhũng, tiêu cực nào. Các dự án đã và đang phát huy tác dụng, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự tăng trưởng của Tổng Công ty cũng như ngành cơ khí Việt Nam''.

 

Hoàng Huy

Theo Vietnamnet

Dòng sự kiện: LILAMA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm