1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

“Rừng vàng trắng” của những người lính bên dãy Trường Sơn

(Dân trí) - Từ những vùng gò đồi cằn cỗi, bỏ hoang quanh năm, với quyết tâm không để lãng phí một tấc đất, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai đã không quản ngại mưa nắng, nhọc nhằn, biến những vùng đất hoang hóa thành những đồi cao su xanh bạt ngàn.

Biến tấc đất thành tấc vàng 

Nhận thấy tiềm năng từ những vùng đất hoang hóa ở xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chưa bị “đánh thức”, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã mời cán bộ kỹ thuật Binh đoàn 15 (đơn vị đã trồng rất nhiều cao su ở nước ta) về khảo sát vùng đất trống ở bản Ra Mai để trồng cây cao su, nhằm tránh sự lãng phí đất đai, giúp dân bản học hỏi làm kinh tế.

 

Tháng 7/2012, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã ra nghị quyết chuyên đề về việc trồng cây cao su ở Đồn Biên phòng Ra Mai. Và chỉ sau một thời gian ngắn khai hoang, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai đã trồng được 7 hec ta cây cao su, toàn bộ giống cây đều được mua từ Binh đoàn 15, đó là giống cây cao su Rim 600, một loại có vỏ dày, độ dẻo dai cao và đặc biệt là sức chịu rét tốt.

“Rừng vàng trắng” của những người lính bên dãy Trường Sơn
Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai đang tất bật với những công việc chăm sóc cây cao su hằng ngày

Đứng bên dãy cao su xanh ngút ngàn, Trung tá Lê Xuân Hóa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai hồ hởi khoe, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, các cấp Ủy chính quyền và sự cố gắng của toàn thể đơn vị, hơn 2 năm qua, những đồi trọc ở bản Ra Mai đã phủ lên một màu xanh tươi tốt của những cánh rừng cao su bạt ngàn. “Nhà báo thấy đấy, với phương châm không để một tấc đất bị bỏ hoang, chính vì thế đơn vị chúng tôi đã luôn nỗ lực hết sức mình để cày cuốc, chăm sóc từng luống cây cao su. Bởi thế, mới có hơn 2 năm mà 7 hec ta khu đất đồi này bây giờ đã thành những đồi cao su tươi tốt”, Trung tá Hóa phấn khởi.

Trung tá Lê Xuân Hóa đang tỉa cành cho những cây cao su
Trung tá Lê Xuân Hóa đang tỉa cành cho những cây cao su

Đi một vòng quanh vườn cao su, chúng tôi chứng kiến cảnh các chiến sĩ tất bật với công việc chăm sóc cây thường ngày, người thì bón phân, người tỉa cành… Tất cả dường như quên đi cái tiết trời mưa rét nơi miền biên giới. Vừa đi thăm vườn, Trung uý Hồ Đui, Tổ trưởng Tổ công tác Đồn Biên phòng Ra Mai chỉ tay tâm sự: “Mặc dù đối mặt với thời tiết rất khắc nghiệt nơi miền biên cương, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hàng ngàn cây cao su ở bản Ra Mai đã phát triển xanh tươi tốt, có nhiều cây nay đã cao lên tới 4 mét và bắt đầu xòe tán”.

 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Xuân Hóa cho biết: “Ở Ra Mai, trung bình mỗi hec ta, trồng được khoảng 400 – 450 cây cao su, tổng chi phí cho mô hình cao su của đồn lên tới 400 triệu đồng.  Sau khi trồng cao su, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị trồng xen canh vào đó các loại cây màu, phát triển chăn nuôi để bảo đảm nhu cầu tại chỗ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc cây cao su đúng với quy trình khoa học kỹ thuật đề ra và sẽ cho triển khai ở một số đồn và nhân rộng mô hình cho bà con dân bản”.

 

Ánh sáng soi đường cho dân bản

 

Câu chuyện những người lính biên phòng trồng cây cao su, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống định cư thuộc khu vực biên giới, còn nhằm mục đích là để bà con dân bản học tập và nhân rộng những mô hình sau này.

 

Tại Đồn Biên phòng Ra Mai, khi bắt đầu trồng cây cao su thử nghiệm, lực lượng BĐBP đã vận động hàng trăm người dân tham gia trồng. Họ cùng bộ đội đào hố, bón phân, xuống giống và học hỏi các khâu kỹ thuật chăm sóc cho cây cao su.

 

Thiếu tá Võ Văn Tuấn, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Hàng ngàn cây cao su đang phát triển tốt, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt của núi rừng. Bởi thế, đồng bào rất tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của cây cao su khi được trồng nơi đây, và còn tin rằng, cây cao su sẽ mang lại no ấm cho họ”.

Những đồi cao su xanh mơn mởn ở Ra Mai
Những đồi cao su xanh mơn mởn ở Ra Mai

Thấy được những cánh đồi cao su xanh tươi tốt, nhiều hộ dân đồng bào Khùa và Mày nơi đây đã có ý định trồng cây cao su, nhưng cái khó khăn nhất của họ là đang thiếu vốn đầu tư. Ông Hồ Kinh, Bí thư chi bộ bản Ra Mai cho hay: “Thấy BĐBP trồng cây cao su, bà con ưng cái bụng lắm! Nhiều người đã theo bộ đội trồng suốt mấy ngày liền. Sang năm, tôi cũng đang dự định trồng vài hec ta”. Điều đáng nói là quỹ đất để trồng cao su ở Ra Mai vẫn còn khá nhiều. Xung quanh các khu vực dân cư còn có diện tích đất khá bằng phẳng hoặc có thể chuyển đổi từ đất trồng rừng sang trồng cao su.

 

Để mô hình cao su thực sự đi vào lòng dân, Đồn Biên phòng Ra Mai đã vận động nhiều già làng, trưởng bản, cán bộ xã và những người có uy tín trong bản đến cùng làm và cho họ mỗi người vài cây về trồng thử. Cán bộ biên phòng là người bản địa, ngoài việc trồng cao su ở đồn còn được đưa về nhà trồng và có trách nhiệm tuyên truyền hiệu quả cây cao su đến các hộ dân. Qua một thời gian, vừa học vừa làm, nhiều người dân xã Trọng Hóa đã biết cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su.

Đồng bào luôn tin, trong tương lai cây cao su sẽ mang lại no ấm cho họ 
Đồng bào luôn tin, trong tương lai cây cao su sẽ mang lại no ấm cho họ 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Phin, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho hay: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con tận dụng những chỗ đất tương đối bằng phẳng để trồng cây cao su trong thời gian tới. Ngoài ra, địa phương còn vận động bà con chuyển đổi một số diện tích rừng sang trồng cây cao su”.

 

Với mô hình trồng cao su bên dãy Trường Sơn của Đồn Biên phòng Ra Mai cùng những chủ trương, chính sách đúng đắn của các cấp chính quyền, chắc chắn diện tích cao su ở các xã biên giới huyện Minh Hóa sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Chúng tôi tin rằng, đó sẽ là tiền đề cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trên con đường thoát nghèo nhanh và bền vững.

Đặng Tài - Hoàng Phúc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm