(Dân trí) - Dưới cái nắng như thiêu, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám chốt, tạo thành bức thành trì vững chắc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bảo vệ an toàn cho người dân.
Rang mình trong "chảo lửa" thành Vinh chặn Covid-19
Dưới cái nắng như thiêu đốt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám chốt kiểm soát, tạo thành bức thành trì vững chắc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bảo vệ an toàn cho người dân.
Gác chốt phòng dịch trong cái nắng sém mặt người
8h, nắng như đổ lửa ụp xuống, mặt đường phản chiếu chói lóa. Nắng trên đầu dội xuống, nóng dưới mặt đường bốc lên càng làm tăng thêm cái bỏng rát của những ngày hè nơi "chảo lửa" thành Vinh (Nghệ An). Đầu tóc Đại úy Vũ Tuấn Dũng (Công an TP Vinh) lấp lánh từng giọt mồ hôi, chảy xuống tai, xuống cổ. Đại úy Dũng vừa được tăng cường ra chốt kiểm soát phòng dịch trước cầu Bến Thủy (TP Vinh).
Chẳng kịp lau mồ hôi, Đại úy Dũng như con thoi, cổ khản đặc bởi phải liên tục giải đáp thắc mắc của tài xế. Đây là 1 trong 13 chốt kiểm soát người và phương tiện vào, ra thành phố trong thời điểm tỉnh Nghệ An thực hiện cách ly xã hội TP Vinh, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là chốt "nóng" nhất bởi nằm trên quốc lộ 1, phân cách giữa hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, nơi có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn.
Phơi mình dưới nắng, người Trung úy Hồ Sỹ Nam (Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Vinh) như quắt lại, làn da đỏ ửng như bị bỏng. "Tạng người em không ra được mồ hôi lại càng nóng", Nam chỉ kịp "giải thích" ngắn gọn như thế rồi liền tay chỉ dẫn phương tiện giao thông dừng đỗ trước thanh gác chắn, thực hiện thao tác kiểm tra giấy tờ. Có tài xế giấy tờ không đúng quy định, không thể qua chốt, năn nỉ nhưng Nam kiên quyết yêu cầu lái xe điều khiển phương tiện quay ngược lại.
Cứ đều đặn mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ, Trung úy Nam ra mặt đường làm nhiệm vụ. "Có những ca từ 12h đến 18h, nắng rát mặt, cảm giác ngộp thở luôn nhưng chỉ cần dừng một lúc thôi là đường tắc ngay nên hầu như không có thời gian để trú nắng. Cũng may tôi xuất thân dân làm muối, phơi nắng từ nhỏ nên quen rồi", Trung úy Hồ Sỹ Nam chia sẻ.
Nếu như Trung úy Nam hay Đại úy Dũng mới tham gia công tác kiểm soát từ ngày 19/6 thì Trung úy Nguyễn Xuân Đức (Công an xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn, Nghệ An) đã phải đứng chốt từ ngày 8/6, thời điểm tỉnh Nghệ An thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh - nơi đang có dịch. Sau một ngày phơi mình dưới cái nắng gay gắt, khuôn mặt của Đức chia thành 2 mảng màu, in hằn rõ chiếc khẩu trang.
"Đây là đường độc đạo nên lượng phương tiện, chủ yếu là xe tải lưu thông lớn, không thể lập barie để chặn mà phải cơ động kiểm tra từng phương tiện để tránh ùn tắc. Hôm đầu tiên ra chốt, chưa có lều bạt, tôi chỉ đội mũ kepi nên nắng hắt thẳng vào mặt, "đốt sém" da xung quanh khẩu trang. Tối về cởi khẩu trang, nhìn mặt mình trong gương chỉ biết phì cười. Gọi về cho con, cháu lo lắng hỏi "bố bị đau à?", Trung úy Đức kể.
Rút kinh nghiệm, từ hôm sau, Đức sử dụng mũ cối khi ra chốt để che chắn tốt hơn. Nay phần da bị bỏng đã bắt đầu bong ra, sủi trắng cả xung quanh mặt, lớp da chưa kịp phục hồi tiếp tục bị "nướng" dưới cái nắng lên đến 45 độ C.
Trong đợt cao điểm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Công an tỉnh Nghệ An và Công an TP Vinh huy động nhiều cán nữ tham gia trực chốt hoặc trực khu vực phong tỏa, cách ly. Cũng giống như đồng đội nam, các nữ chiến sĩ phải đảm nhiệm trực chốt bất kể ngày hay đêm. Chỉ qua ít ngày, khuôn mặt của các "bóng hồng" đã loang lổ những vết cháy nắng.
"Vì nhiệm vụ, nắng hay mưa, đêm hay ngày chúng tôi đều chấp hành nhiệm vụ được phân công. Vất vả, nắng nóng nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của chỉ huy đơn vị, lãnh đạo Công an tỉnh và đón nhận nhiều tình cảm yêu thương từ người dân.
Giữa trưa nắng, các cô, các dì mang hoa quả, nước mát tới tận chốt, xót xa như chính con gái họ, cứ luôn miệng động viên "các con cố gắng nhé, cố gắng nhé!". Vì nhân dân và được nhân dân tin yêu, là người lính, gian khổ, khó khăn nào chúng tôi cũng vượt qua", Trung úy Nguyễn Thị Von Ga (Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Vinh) chia sẻ.
Có phòng điều hòa nhưng không có thời gian để nghỉ!
Cùng tham gia kiểm soát người và phương tiện ra, vào TP Vinh, anh Nguyễn Trọng Long (Đội dân quân tự vệ phường Bến Thủy, TP Vinh), bắt đầu ca trực của mình từ 7h sáng đến 15h. Nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ là hỗ trợ cảnh sát giao thông dừng đỗ phương tiện để kiểm tra, hướng dẫn người dân khai báo y tế, bởi vậy họ phải thường xuyên có mặt ở ngoài đường.
"Tầm từ 10h trở đi là nắng nóng cực điểm, có khi phải lên tới 43-45 độ C, cảm giác như da mặt và hai cánh tay mình đang bị bỏng luôn. Lực lượng dân quân ngoài bộ quần áo và chiếc mũ mềm thì không có bảo hộ gì khác, may còn có chiếc ô che nắng nhưng phần lớn thời gian chúng tôi ở ngoài mặt đường. Nắng nóng, vất vả nhưng anh em đều động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ để sớm dập dịch", anh Long nói.
Thiếu úy Trần Hải Hoàn (Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An) được phân công đứng chốt ở đê Hưng Hòa, cũng là điểm chốt xa nhất của TP Vinh. Mặc dù lưu lượng người và phương tiện qua chốt không nhiều nhưng không vì thế Thiếu úy Hoàn và đồng đội đỡ vất vả hơn. Chốt dựng trên đê, xung quanh không có lấy một bóng cây, chiếc lều bạt dã chiến phải vắt hết xung quanh lên để đón gió vào. Đứng trong lều vẫn cảm nhận được cái nóng hừng hực bốc lên, mồ hôi túa ra ướt đẫm bộ quần áo đặc nhiệm.
"Người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, gió lùa khô thì bạc phếch mồ hôi muối. Nhưng mà anh em quen rồi, chỉ là hong nắng, da đen thui, bớt đẹp trai đi một chút thôi", Thiếu úy Hoàn hài hước.
Để giảm bớt khó khăn, vất vả cho anh em trực chốt giữa trời nắng nóng, UBND tỉnh Nghệ An và Công an tỉnh đã huy động xe buýt, xe khách, thùng container làm nơi nghỉ tạm cho anh em.
"Các phòng tạm được trang bị quạt mát, điều hòa nhiệt độ và vật dụng cần thiết nhưng anh em chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi bởi lượng công việc quá nhiều, chỉ dừng một lát thôi là giao thông ùn ứ, khoảng cách phòng dịch khó đảm bảo", Trung tá Nguyễn Văn Thuận vừa gạt mồ hôi, vừa nói.
Nghệ An đang bước vào cao điểm nắng nóng và cuộc chiến chống Covid-19 càng nóng bỏng hơn. Thời điểm hiện tại, địa phương này ghi nhận 33 ca bệnh. Song song với việc khoanh vùng, truy vết, dập dịch, tỉnh phải đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế. Trong cuộc đấu tranh này, mọi lực lượng, tổ chức, đơn vị đều quyết tâm cao độ, gánh vác trách nhiệm để góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép". Cuộc chạy đua với thời gian, dưới sự khắc nghiệt của thời tiết khiến nhiệm vụ của họ càng khó khăn, gian khổ hơn.
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Nghệ An: "Trước tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, ngoài đảm bảo công tác hậu cần, Công an tỉnh và Công an TP Vinh đã bố trí nơi ăn, nghỉ cho các lực lượng tham gia đứng chốt. Đặc biệt, thông qua sự chung tay của cộng đồng và sự quan tâm của các ban ngành, tại mỗi điểm chốt, ngoài trang thiết bị của lực lượng công an còn bố trí container, xe buýt lắp điều hòa làm nơi nghỉ ngơi, giúp phần nào để anh em đảm bảo sức khỏe, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ".
"Gió Lào thổi ràn rạt cả ngày đêm, cái ô che nắng vừa mới được trang bị nay bị gãy hết, trong lều thì nóng, với lại cũng không có thời gian để vào nghỉ. Quyết tâm phòng chống dịch bệnh, nên dù nắng nóng hơn nữa, chúng tôi vẫn kiên trì bám chốt kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Chỉ mong người dân thấy được sự vất vả của đội ngũ cán bộ y tế, công an, quân sự thì sẽ có ý thức hơn để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh", Trung úy Nguyễn Xuân Đức chia sẻ.