1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

"Rái cá sông Bùng" 50 đêm cứu gạo kháng chiến

(Dân trí) - Cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Đặng Văn Minh (xóm Mai Thành, Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An) được mệnh danh là "rái cá sông Bùng" bởi thành tích cứu gạo ở cầu Thực phẩm Diễn Thành. Chiến tích 50 đêm cứu gạo ấy là niềm tự hào của cả đời ông.

"Rái cá sông Bùng" 50 đêm cứu gạo kháng chiến - 1
Ông Đặng Văn Minh kể về câu chuyện 50 đêm ngâm sông cứu gạo...

50 đêm ngâm mình cứu gạo

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xóm Mai Thành với cầu Thực phẩm và Trạm trung chuyển lương thực trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Làng Mai Thành bé nhỏ nằm giữa mênh mông nước sông Bùng và kênh nhà Lê bao quanh sau nhiều trận "dội bom" của quân thù đã gần như bị xóa sổ. Với sức mạnh và lòng kiên trì của nhân dân nơi đây, chỉ trong một thời gian ngắn đã khôi phục ngôi làng làm nơi tập kết trung chuyển gạo, muối để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Một đêm tháng 6/1967, đoàn thuyền (chủ yếu là thuyền ván và thuyền nan) chở gần 100 tấn gạo đậu dọc dòng kênh nhà Lê để đợi bốc dỡ sang cầu trước khi được chất lên các xe tải để vào chiến trường thì bị máy bay Mỹ tập kích. Chỉ trong chốc lát, dòng nước cuộn lên một màu đục ngầu của bùn, đoàn thuyền biến mất như chưa từng có mặt kéo theo gần 100 tấn gạo chìm xuống lòng sông. Bom vừa dứt, đội dân quân tự vệ Diễn Thành và bà con nhân dân triển khai các phương án cứu gạo.

"Hồi đó tôi đang là học sinh cấp 3, chưa được tham gia đội dân quân tự vệ nhưng cũng lao xuống sông cứu gạo", ông Minh nhớ lại. Lớn lên trong ngôi làng được bao quanh bởi 2 dòng sông, ông Minh rất giỏi bơi lội và đặc biệt có năng khiếu về lặn. Một chút năng khiếu cùng với khổ công luyện tập nên ông có thể nín gần 3 phút dưới nước và lặn một hơi từ bên này sang bên kia sông. Mấy ngày đầu, gạo chìm gần bờ sông nên việc trục vớt gạo đơn giản hơn, càng về sau, số gạo bị bom đánh chìm cũng với thuyền triềng ra xa, mọi người gần như bó tay thì nhiệm vụ cứu gạo được giao cho ông.

Công việc cứu gạo phải làm từ chập tối đến đêm để tránh địch phát hiện hiện. Dưới đáy sông, hàng trăm chiếc thuyền bị bom đánh vỡ, mảnh gỗ, đinh tua tủa. Càng xuống sâu càng tối như mực, phải cố gắng tránh dẫm mảnh gỗ và đinh vừa quờ quạng tìm vị trí các bao gạo. Có lần tôi suýt ngộp thở khi vào một khoang thuyền bị lật nghiêng đến lấy gạo ra.

Cánh cửa chỉ vừa đủ lọt bao gạo, loay hoay mãi không ra được. Nếu vứt gạo để trồi lên mặt nước lấy hơi thì lát nữa sẽ rất khó dò đúng vị trí của thuyền. Tôi cố nín thở, một tay túm đầu bao gạo, lách người qua cửa khoang thuyền rồi kéo gạo lên".

Rút kinh nghiệm từ lần này, khi xác định được vị trí của thuyền chìm ông trồi lên báo hiệu để những người tham gia vớt gạo dùng sào cố định vị trí thuyền. Mỗi khi lấy được gạo trong những thuyền chìm ra, ông bám theo sào nổi lên để dân làng chuyển vào bờ. Hiếm khi nào ông chịu trồi lên mà chưa tìm được gạo. Cái dáng bé nhỏ thoăn thoát trồi lên ngụp xuống giữa lòng sông như một con rái cá. Biệt danh "rái cá sông Bùng" gắn với ông từ đó.

"Rái cá sông Bùng" 50 đêm cứu gạo kháng chiến - 2
Ông Minh thường kể những câu chuyện chiến trường cho con cháu nghe

Suốt 50 đêm liền, ông ngụp lặn dưới lòng sông để mang lên hàng chục tấn gạo. "Gạo ngâm dưới nước quá lâu nên đưa lên mà mở ra ngay là bục. Số ít được mang vào nấu ngay, số còn lại phải đợi nắng lên mang ra phơi. Gạo phơi lại bở lắm, nấu lên đưa vào miệng chẳng có cảm giác là đang ăn cơm nhưng hồi đó hạt gạo quý như hạt vàng, chỉ cần ăn cho no bụng mà chiến đấu là được. Bởi thế anh em chúng tôi hạ quyết tâm vớt gạo lên. Nhân dân thương bộ đội, vét thóc gạo trong nhà đổi gạo ngâm nước nhường gạo ngon cho chiến trường", ông Minh nhớ lại.

Thi sỹ giữa chiến trường

"Kỳ tích" 50 đêm vớt gạo trên sông không giúp ông "lọt" vào danh sách tuyển quân thời đó bởi ông là con độc đinh lại có chút vốn liếng chữ nghĩa nên được cho đi đào tạo làm giáo viên. Mãi đến năm 1972, cơ duyên "bộ đội cụ Hồ" mới đến khi một giáo viên ở huyện Quỳ Châu không xuống tham gia tuyển quân kịp. Gia nhập Đoàn 22A (đoàn bộ đội giáo viên, giáo sinh Ty giáo dục Nghệ An tăng cường cho chiến trường), sau một thời gian huấn luyện ông cùng đoàn quân vượt Trường Sơn và được phân vào Đoàn 559 với nhiệm vụ kéo pháo vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào.

"Rái cá sông Bùng" 50 đêm cứu gạo kháng chiến - 3
Những trang thơ viết giữa chiến trường vẫn được ông lưu giữ và xem như báu vật.

Giữa bom đạn khốc liệt, tâm hồn thi sỹ trỗi dậy, ông làm thơ về những gian khó trong hành quân, trong chiến đấu: "Xưa ta nghe Trường Sơn/ Tưởng rừng già hoang dã/ Nay ta vào Trường Sơn/ Đường mở về muôn ngả... Trường Sơn giờ đẹp lắm/ Như tình yêu đôi mình". Hay những câu thơ tràn đầy niềm tin về ngày mai thắng lợi: "Con chợt thấy ngày về sáng lạng/ Nhìn em thơ cắp sách tới trường". Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ thân yêu cũng được ông khắc họa giản dị, mộc mạc bằng những câu thơ viết dọc đường hành quân. Tình yêu giành cho mẹ đã trở thành động lực giúp ông vững vàng hơn trong muôn vàn gian khổ của cuộc chiến tranh. "Con vẫn biết mẹ thương con lắm đấy/ Song vai con hiếu nghĩa chưa tròn/ Hẹn hết giặc, ngày con trở lại..."

Chiến tranh kết thúc, ông xuất ngũ trở về làm một anh giáo làng. Vừa là giáo viên bộ môn tự nhiên, ông vừa kiêm nhiệm nhiều công tác khác như Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách đội, Chủ tịch công đoàn... Chuyển qua nhiều đơn vị công tác khác nhau, năm 1982 ông về công tác tại trường THCS Diễn Ngọc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009. "Rái cá" ngày ấy giờ chỉ đã có cơ hội nghỉ ngơi để chiêm nghiệm cuộc đời, chăm lo ruộng vườn và làm chủ một gian hàng tạp phẩm be bé đỡ đần vợ con.
 
Hoàng Lam