Quyết tâm "phải trốn" của người phụ nữ gần 20 năm bị bán sang Trung Quốc
(Dân trí) - Đứt ruột để 3 đứa con lại khiến H. đau đớn. Nhưng phải trốn, đó là ý nghĩ duy nhất thôi thúc H. thực hiện một cuộc đào tẩu khỏi nơi đã sống thấp thỏm trong nỗi nhớ quay quắt gần 20 năm trời.
Tuổi thơ không bình yên
Trương Thị H. (SN 1987) sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Thổ ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ H. đành lòng dứt áo ra đi, để lại cho chồng 3 đứa con. Người bố lam lũ làm lụng chỉ mong con không bị đứt bữa nên anh em H. cũng không được học hành nhiều.
Một thời gian sau, lao lực, ăn uống kham khổ cộng với bệnh tật khiến người bố qua đời. Ba anh em H. nương tựa vào nhau, lớn lên như cây cỏ trong rừng.
Anh Trương Văn Hải, anh trai của H. nhớ lại: “Hè năm 2001, H. với một bạn nữa xin đi ra xã nộp giấy tờ gì đó nhưng đến tối cũng không thấy về. Hồi đó điện thoại, xe cộ không có, cũng không biết cách gì mà tìm. Suốt 19 năm qua tôi không có bất kỳ liên lạc nào với em gái, cũng không biết nó còn sống hay đã chết”.
Người anh không thể nào ngờ rằng, em gái mình đã bị lừa bán qua bên kia biên giới, làm vợ từ khi mới 14 tuổi.
Nói về H., do muốn tìm công việc kiếm tiền phụ giúp anh trai nuôi em nên theo lời dụ dỗ của bạn, đi xuống huyện Diễn Châu làm thuê. Một người phụ nữ tên Thủy tỉ tê, rủ H. đi Trung Quốc làm ăn. Để cô bé ngây thơ này nghe theo, Thủy vẽ ra viễn cảnh ở bên kia biên giới công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, có tiền gửi về phụ giúp anh trai. H. nghe bùi tai nên gật đầu đi mà không biết rằng mình đang sa vào tay của một nhóm tội phạm mua bán người.
Sau khi giải cứu thành công, ngày 28/10, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã bàn giao chị H. cho gia đình.
Sau khi vượt biên qua nước bạn, H. được đưa sâu vào trong nội địa. Lúc này chẳng có công việc nào đang chờ đợi cô bé 14 tuổi như H. được hứa hẹn trước đó. Một thời gian ngắn sau, H. bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc, bước vào cuộc sống làm vợ khi chưa đến tuổi trăng tròn.
Hành trình trở về gian nan
Chồng H. làm trong ngành xây dựng, anh ta đối xử với vợ không tốt, cũng không quá tệ. Vì mất kha khá tiền để mua vợ về nên gã quản lý rất chặt, phòng vợ bỏ trốn. Nhiều lần H. tìm cách trốn chạy nhưng lạ đường, lạ tiếng nên không thể thoát.
Để quản lý vợ, người đàn ông này không cho H. tiếp xúc với ai, ngày ngày nhốt trong nhà, cũng không bao giờ đưa tiền bạc để vợ chi tiêu. Khi 4 đứa con lần lượt ra đời, sự quản lý của chồng đối với H. có phần nới lỏng hơn. Nỗi nhớ gia đình nhớ quê hương trỗi dậy, thôi thúc người phụ nữ này tìm cách bỏ trốn.
Việc bỏ trốn khi mang theo con nhỏ mới gần 2 tuổi không hề dễ dàng gì. Đứt ruột để 3 đứa con lại khiến H. đau đớn. Nhưng phải trốn, đó là ý nghĩ duy nhất thôi thúc H. thực hiện một cuộc đào tẩu khỏi nơi đã sống thấp thỏm trong nỗi nhớ quay quắt gần 20 năm trời.
Khi thoát được khỏi nhà, H. ôm con cắm mặt chạy, không dám quay đầu nhìn lại vì sợ nhỡ nếu nhìn thấy 3 đứa con phía sau cô sẽ không đủ dũng khí mà đi. Chạy bao lâu H. cũng không nhớ nữa, rồi cô nhảy được lên một chiếc xe khách. Chiếc xe đi mãi, đi mãi, đến một nơi cách rất xa nhà H. mới dám xuống.
Vừa phải tránh không để chồng phát hiện, H. vừa phải tìm công việc để nuôi con. Ở đây, H. được nghe giọng nói thân thương của những người Việt Nam sang làm thuê. Cô mở lòng tâm sự về cuộc đời truân chuyên của mình và ngỏ ý được giúp đỡ.
Một người đồng hương tên Sỹ (quê Đô Lương, Nghệ An, hiện làm ăn ở Trung Quốc) đăng tải thông tin lên Facebook kèm với bức ảnh của H. nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người thân giúp cô.
“Hồi cuối tháng 9, tôi đang làm việc ở Bắc Ninh thì người em họ gọi, bảo có thông tin tìm người thân đăng tải trên Facebook giống với H. Tấm ảnh chụp nghiêng nhưng sau gần 20 năm tôi vẫn nhận ra đó là em gái mình. Với sự giúp đỡ của anh Sỹ và công an, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, tôi liên lạc được với H.
Qua điện thoại, hai anh em nghẹn ngào không nói được gì nhiều. Tôi nói để gửi tiền sang cho hai mẹ con về nhưng mọi người bảo yên tâm, bên đó anh em đồng hương người Nghệ An và tổ chức Rồng Xanh sẽ đưa em về Việt Nam. Suốt những ngày H. ở trong khu vực cách ly chống Covid-19, tôi không có tâm trạng để làm được gì hết, chỉ mong ngóng sớm được gặp em. Giờ thì em về đây rồi, bố tôi ở dưới suối vàng chắc cũng yên lòng”, anh Hải tâm sự.
Về đoàn tụ với người thân sau gần 20 xa cách, chị H. hạnh phúc không nói được nên lời nhưng nghĩ đến 3 đứa con đang trông ngóng mẹ ở bên kia biên giới, người phụ nữ này không đành lòng, nước mắt giàn giụa.
“Tôi chỉ biết động viên em yên tâm ở đây, một thời gian nữa sẽ tính tiếp. Biết là thương con, nhớ con đấy nhưng giờ quay về bên kia, liệu có được sống bình an những ngày tiếp theo?”, người anh trai lo lắng.