Bất ngờ ở xã từng có hơn nửa số dân là nghèo tại huyện miền núi ở Bình Định
(Dân trí) - Từ xã khó khăn với hơn nửa số dân thuộc hộ nghèo, sau 10 năm, Vĩnh Quang thay đổi bất ngờ trở thành xã đầu tiên của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) về đích nông thôn mới.
So với nhiều năm trước, huyện Vĩnh Thạnh giờ đây "khoác lên mình chiếc áo mới". Những trục đường thảm nhựa rộng thênh thang ở trung tâm huyện, nhà cửa khang trang, hàng quán mọc lên nhiều; trường học, cơ sở y tế cũng đã phủ sóng ở khắp nơi, nhất là ở các khu vực có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
10 năm về trước, từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Thạnh, với gần 55% là hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ trên 10 triệu đồng/năm. Đến nay, Vĩnh Quang bứt phá ngoạn mục, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4,6%, thấp hơn mức chuẩn theo quy định (5%); các tiêu chí về kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi vượt bậc. Năm 2022, Vĩnh Quang trở thành xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện miền núi Vĩnh Thạnh.
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Quang, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mùa vụ; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, kiệu, ớt, cây bắp (ngô) non…
Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, để từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Ông Trần Đức Trinh (thôn Định Thái, xã Vĩnh Quang) phấn khởi cho biết đây thực sự là một chính sách rất hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho người dân. Cuộc sống của đồng bào đổi mới thấy rõ, nhà cửa khang trang, to đẹp nhiều hơn so với trước đây.
"Tôi tâm đắc nhất là người dân đã chủ động hơn, khi nhiều giống mới, cách thức canh tác mới được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn, dần dần người dân tự tin chủ động làm được hết", ông Trinh nói.
Đơn cử hộ bà Nguyễn Thị Bích (thôn Định Quang), nhờ mạnh dạn chuyển đổi 10 sào đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thanh long, đu đủ, đậu phụng và kiệu nên gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Hồ Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, thành quả này là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, cùng với sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Vĩnh Quang phấn đấu vươn lên để hoàn thành chương trình nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
"Nhân dân đồng thuận, chúng tôi tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, tập trung để bà con thay đổi nhận thức. Khi bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình là lấy sức dân để lo cho dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động, cũng là người hưởng thụ thành quả thì mọi việc bắt đầu thuận lợi", ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu chia sẻ thêm, tiếp đà kết quả về đích nông thôn mới, UBND xã tiếp tục tập trung mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu của huyện Vĩnh Thạnh, sẽ về đích vào năm 2024-2025.
Theo ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, với đặc thù của một huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo huyện trong xây dựng nông thôn mới là vừa tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
"Với tinh thần đó, huyện tập trung kiện toàn, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân", ông Bảo nói.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Quang đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Theo ông Bảo, kế hoạch trong năm 2023, xã Vĩnh Hảo là địa phương thứ 2 của huyện về đích nông thôn mới và tiếp đến là tập trung mọi nguồn lực xây dựng xã Vĩnh Hiệp hay xã Vĩnh Thịnh về đích nông thôn mới.