Vụ “lương khủng”:
Quỹ lương tăng cao nhưng lương người lao động vẫn thấp
(Dân trí) – Năm 2012, khi áp dụng mức lương tối thiểu 2.000.000 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương sản phẩm công ích thì tổng quỹ lương của 8 doanh nghiệp công ích thuộc các sở ngành tăng từ 50%, lương bình quân của người lao động tăng 42%. Nhưng thực tế không phải vậy!
Đấu tranh quyết liệt để giữ mức lương tối thiểu cao
Từ thời gian cuối năm 2012, UBND TP nhận ra lỗ hổng tiền lương dành cho khối doanh nghiệp công ích (DNCI) khi áp dụng mức lương tối thiểu 2.000.000 đồng/tháng để tính đơn giá tiền theo sản phẩm năm 2012. Bởi khi áp dụng mức lương tối thiểu này, tổng quỹ lương cho 22 DNCI thuộc quận huyện và 8 DNCI thuộc các sở ngành sẽ tăng chóng mặt, khoản tiền này phải lấy từ nguồn ngân sách vốn đang khó khăn. Do đó, UBND TP chỉ đạo tính toán lại mức lương tối thiểu này, đề xuất áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng.
Quyết định này vấp phải phản ứng quyết liệt của một số DNCI, họ dùng nhiều lý do để phản đối, trong đó quan trọng nhất là lý do khi áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, gây thiệt thòi cho đời sống công nhân. Có 3 trong 4 DNCI bị phát hiện sai phạm thời gian qua tính toán là lương công nhân năm 2012 sẽ giảm từ 7% – 27% so với năm 2011 nếu áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM thì ngược lại. Theo đó, tổng quỹ lương năm 2012 tại 8 DNCI thuộc các sở ngành tăng 105 tỷ đồng (9,7%) so với thực chi năm 2011 nếu áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng, tăng 522 tỷ đồng (50%) so với thực chi năm 2011 nếu áp dụng mức lương tối thiểu 2.000.000 đồng/tháng.
Còn về lương bình quân của người lao động năm 2012 tại 8 doanh nghiệp trên, nếu áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng thì tăng 3% so với thực tế tiền lương người lao động đã nhận năm 2011; nếu áp dụng mức lương tối thiểu 2.000.000 đồng/tháng thì tăng đến 42%.
Trong đó, 3 doanh nghiệp tính toán và báo cáo là lương công nhân năm 2012 sẽ giảm từ 7% – 27% là do khai lao động khống cao hơn thực tế sử dụng, báo cáo số liệu sai và dùng chính số liệu khai khống, sai lệch này để tính toán.
Vì công nhân hay vì ai?
Lãnh đạo các một số DNCI trên lấy lý do bảo vệ quyền lợi người lao động để phản đối việc UBND TP yêu cầu xem xét việc áp dụng mức lương tối thiểu là 1.512.500 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương sản phẩm công ích. Nhưng thực tế không phải vậy!
Bởi việc áp dụng mức lương tối thiểu cao chỉ giúp tăng quỹ lương, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện rõ trong con số mà Sở LĐ-TB&XH báo cáo là tổng quỹ lương của 8 DNCI tăng đến 522 tỷ đồng (50%) so với năm 2011 khi áp dụng mức lương tối thiểu là 2.000.000 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương sản phẩm công ích.
Và dựa vào tổng quỹ lương tăng, lương bình quân năm 2012 của người lao động cũng được Sở LĐ-TB&XH tính toán là sẽ tăng 42% so với năm 2011. Nhưng thực tế hầu hết người lao động trực tiếp tại 4 DNCI bị phát hiện sai phạm đều phản ánh là lương của họ không tăng gấp rưỡi như con số tính toán trên.
Nguyên nhân là vì để tăng cao lợi nhuận, tăng cao quỹ lương cho khối gián tiếp, các doanh nghiệp trên đã cố tình vi phạm luật lao động để ký hợp đồng thời vụ, ngắn hạn với hầu hết người lao động trực tiếp. Tức là, những người lao động này chỉ được hưởng lương công nhật, làm ngày nào tính ngày đó chứ không được thêm quyền lợi và chế độ gì khác, họ không được hưởng thêm đúng theo tỷ lệ khi quỹ lương doanh nghiệp tăng cao.
Trong 4 doanh nghiệp, chỉ có công ty Công viên cây xanh là còn “nhẹ nhàng” với người lao động khi trả lương thời vụ cao nhất là 350.000 đồng/ngày nên lương bình quân của lao động thời vụ của doanh nghiệp này là 9 triệu đồng/tháng, cao nhất trong 4 DNCI sai phạm, mức chênh lệch giữa lao động trực tiếp và khối gián tiếp cũng là thấp nhất (khối gián tiếp lương bình quân cao gấp đôi khối trực tiếp).
Tuy nhiên, tại 3 doanh nghiệp còn lại thì người lao động trực tiếp bị chèn ép mạnh hơn, dù tổng quỹ lương năm 2012 tăng rất cao nhưng lao động thời vụ chỉ đạt mức lương từ 4,5 triệu – 7,8 triệu đồng/tháng. Lương của lao động thường xuyên cao gấp 4 - 7 lần lao động thời vụ. Còn lương của viên chức quản lý thì cao hơn lương của lao động thời vụ hàng chục lần, cố tình vi phạm quy định phân bổ lương để chi lương cho ban điều hành doanh nghiệp vượt quá quy định nhiều lần.
Điều này cho thấy rõ là các DNCI trên đấu tranh để đòi áp dụng mức lương tối thiểu cao là để lấy thêm nhiều ngân sách, để tăng quỹ lương doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp trên cũng tìm nhiều cách, cố tình vi phạm pháp luật để phân bổ quỹ lương này không đồng đều trong nội bộ doanh nghiệp, dành phần lợi lớn về cho các viên chức quản lý.
Theo ông Lê Mạnh Hà, vấn đề lương công nhân thấp, giảm tại các doanh nghiệp công ích vừa bị phát hiện sai phạm thời gian qua không phải vì mức lương tối thiểu mà chính là vì cách đối xử bất công, vi phạm luật lao động, tước đoạt quyền lợi chính đáng của bộ phận người lao động trực tiếp.
Hồng Tâm -Tùng Nguyên