1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Quy hoạch TPHCM phải ưu tiên giải quyết ngập, môi trường

Thư Trần

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng trong bài toán quy hoạch, ngập nước là trọng trách rất lớn mà TP phải giải quyết cơ bản vào năm 2030 và việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển phải đặt lên hàng đầu.

Xây dựng hạ tầng khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, phát triển đường sắt, đường bộ và đường thủy đồng bộ với đường hàng không và giảm ngập, ô nhiễm là những nhóm vấn đề chính xoay quanh 3 giờ thảo luận giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm tham vấn chính quyền trong vấn đề định hướng quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, diễn ra ngày 24/8.

Tiên quyết giải quyết ngập, môi trường

Theo TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TPHCM hiện đối diện 4 nhóm thách thức lớn là tăng trưởng GRDP cao, phát triển đa trung tâm, đầu tư giảm phát thải CO2 và giải quyết ùn tắc, ngập.

Chuyên gia cho rằng vấn đề ùn tắc và ngập nước là trọng trách rất lớn mà TP phải giải quyết cơ bản vào năm 2030.

Có ý kiến tương tự, PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, cho rằng trong số các định hướng phát triển và mục tiêu đầy hứa hẹn, TPHCM cần đặt ưu tiên bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

"Trong lựa chọn của nhiều nhà đầu tư và những người đến với TPHCM, đây chưa phải là nơi có môi trường để họ yên tâm làm việc và phát triển", PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu nói.

Quy hoạch TPHCM phải ưu tiên giải quyết ngập, môi trường - 1

PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang (Ảnh: Thư Trần).

PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu gợi mở TPHCM cần có mục tiêu cụ thể, và đặt ra mức bảo vệ môi trường sống cao hơn mức phát triển kinh tế để đảm bảo duy trì điều kiện môi trường tốt hơn các thành phố trên thế giới lẫn trong khu vực.

Lấy ví dụ về quá trình giải quyết ngập, bà Diệu nhận định TP quy hoạch, xử lý chất thải chưa hợp lý và cần giải quyết đồng bộ bằng nhiều cách ứng dụng khoa học công nghệ.

"Vấn đề là chúng ta có mạnh dạn, dám thay đổi những quy hoạch trước đây để ứng dụng những giải pháp đột phá hơn hay không", PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu góp ý.

Kết nối giao thông đa phương thức

Theo PGS TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT (Trường Đại học Việt Đức), đồ án quy hoạch TPHCM hiện chưa có tiêu chí nào thể hiện sự chú tâm của TP về việc ưu tiên người dân sử dụng xe đạp công cộng, xây dựng hạ tầng, vỉa hè phục vụ người đi bộ.

"Trong khi ước tính có đến 70% người tiếp cận tàu điện trong tương lai bằng đôi chân mình", PGS Vũ Anh Tuấn góp ý.

Quy hoạch TPHCM phải ưu tiên giải quyết ngập, môi trường - 2

PGS TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Trường Đại học Việt Đức (Ảnh: Thư Trần).

Ông Vũ Anh Tuấn cho rằng đối với những đô thị có quy mô lớn như TPHCM, kinh nghiệm trên thế giới đều cho thấy điều kiện tiên quyết trong phát triển hạ tầng là tập trung vào giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn.

Bên cạnh đó TP cần đảm bảo tính kết nối giao thông đa phương thức: Taxi, xe buýt, tàu điện, xe đạp… giúp việc di chuyển của người dân thuận tiện, an toàn.

Bên cạnh đó là khai thác giá trị quanh đô thị dọc nhà ga, tăng giá trị sử dụng đất.

"Vì vậy, giải quyết vấn đề đường sắt đô thị không chỉ là vấn đề của riêng Sở GTVT mà là bài toán chung của TPHCM và tất cả sở ngành", ông Tuấn nói thêm.

Ngày 23/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc quy hoạch phải cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, phải theo đúng các quy định của pháp luật, nhất là Luật Quy hoạch; phù hợp với quy hoạch chung quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, không xung đột, mâu thuẫn với nhau, nếu có xung đột, mâu thuẫn phải điều chỉnh bảo đảm thống nhất.

Cần khai thác hiệu quả không gian mặt đất, mặt nước, không gian ngầm, không gian vùng trời; tổ chức không gian đô thị, dịch vụ, công nghiệp, nông thôn phù hợp; định hướng những phương thức giao thông hiện đại, tương xứng với diện mạo của thành phố toàn cầu trong tương lai.

Lưu ý cân bằng giữa phát triển kinh tế với văn hóa, lấy người dân là chủ thể trung tâm của phát triển.