1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy định "sở hữu chung cư có thời hạn" không được đồng tình

Hoài Thu

(Dân trí) - Phương án duy nhất Chính phủ trình ra về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn không nhận được sự đồng tình của Ủy ban TVQH. Nhiều người chung lo ngại quy định này sẽ gây tác động tiêu cực.

Quy định việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn là vấn đề lớn nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp chiều 17/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Điểm mới trong dự luật lần này là cơ quan soạn thảo đã bỏ quy định sở hữu vĩnh viễn đối với nhà chung cư, thay vào đó, việc sở hữu chung cư sẽ chuyển sang "có thời hạn".

Không đồng tình quy định sở hữu nhà chung cư

Đánh giá khái quát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cách tiếp cận mới này có thể khắc phục được vấn đề xử lý, phá dỡ nhà chung cư cũ.

Ông nêu thực tế Dự thảo Luật Nhà ở đã có cơ chế khi nhà chung cư cũ hết thời hạn sử dụng, không còn điều kiện an toàn và ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người dân… thì bị phá dỡ. "Nhưng trước đây, khi chúng tôi ở địa phương, không có cách nào vận động người dân di dời ra khỏi chung cư cũ, nhất là những hộ ở tầng dưới và kinh doanh dịch vụ, họ không bao giờ đồng ý", theo ông Thanh, nếu không tạo được đồng thuận thì không giải quyết được việc này.

Quy định sở hữu chung cư có thời hạn không được đồng tình - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông cũng đánh giá việc dự thảo luật Nhà ở xác định rõ các trường hợp Nhà nước sẽ tiến hành đầu tư cải tạo nhà chung cư không phụ thuộc vào chủ sở hữu nhà chung cư là rất cần thiết. Song với cách tiếp cận thận trọng đối với quy định quan trọng này, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để báo cáo Quốc hội.

Ông Thanh cho rằng phải xem bản chất của việc các chung cư cũ ở các địa phương không phá dỡ để cải tạo, đầu tư xây dựng có phải do trước đây Luật Nhà ở cũ tách quyền sử dụng ra hay không.

Ngoài ra, ông đề nghị phải phân tách được vấn đề xây dựng nhà chung cư trên các loại đất vì có loại đất giao và sử dụng ổn định vĩnh viễn; có loại đất chỉ có thời hạn. Vậy quyền, trách nhiệm  của chủ sở hữu nhà chung cư trong các trường hợp này như thế nào.

"Theo thiển nghĩ của tôi, nhà có thời hạn thì giá sẽ rẻ hơn còn nhà vĩnh viễn giá cao hơn, vẫn có thể có hai lựa chọn. Rẻ thì mua cái có thời hạn, còn nhiều tiền mua cái dài hạn. Cơ chế đó có thể nghiên cứu để giải quyết vấn đề này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế gợi mở. Theo ông, nhà chung cư vừa là tài sản, vừa là chỗ ở của người dân, nếu quy định không rõ hoặc chỉ quy định sở hữu có thời hạn thì việc thực hiện sẽ vướng.

Còn ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu thực tế người mua chung cư thường có thu nhập thấp hơn, còn có tiền họ sẽ mua nhà đất, phân lô, biệt thự.

"Theo Luật Đất đai, giao đất không thời hạn còn nhà chung cư có thể có thời hạn 50 năm hoặc vĩnh viễn tùy thuộc quyền sử dụng đất được cấp cho chủ đầu tư. Nếu giờ quy định trường hợp nhà chung cư phá dỡ thì chấm dứt quyền sở hữu là không hợp lý", ông Cường đề nghị xem xét lại quy định này để tránh phản ứng người dân và xã hội.

Quy định sở hữu chung cư có thời hạn không được đồng tình - 2

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư có thể gây tác động lớn nên cần xem xét, tính toán phù hợp và có đánh giá tác động về chính sách này.

Ông Cường phân tích khi mua căn hộ chung cư, hộ cá nhân có quyền sở hữu riêng bên trong căn hộ, được pháp luật và Hiến pháp bảo hộ, chỉ được quyền trưng mua, trưng dụng trong trường hợp cần thiết đã được Hiến pháp quy định.

Vì vậy, theo ông, việc quy định như dự thảo là chưa chặt chẽ về pháp lý. "Việc chấm dứt sở hữu nhà chung cư không ảnh hưởng nhiều địa phương khác, nhưng ở Hà Nội và TPHCM thì tác động rất lớn, vì mỗi tòa nhà chung cư là hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình", một lần nữa, ông Cường đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách này.

Phải bắt đúng bệnh

Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm.

Việc quy định quyền sở hữu chung cư có thời hạn như phương án Chính phủ trình, theo ông Huệ, hướng tới mục đích bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Đặc biệt, phải xác định rõ vướng mắc trong cải tạo xây dựng lại nhà chung cư có phải do quy định về sở hữu hay không? "Phải bắt đúng bệnh để có đối sách phù hợp", ông Huệ yêu cầu các cơ quan lắng nghe, có trách nhiệm trọng quá trình nghiên cứu, xem xét.

Hiện nay, đa số ý kiến thường trực Ủy ban Pháp luật và các ý kiến phản biện chính sách đều rất lăn tăn, không tán thành quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Quy định sở hữu chung cư có thời hạn không được đồng tình - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng).

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn quy định Hiến pháp, pháp luật để nêu rõ quyền sở hữu tài sản của người dân được Nhà nước bảo vệ, đảm bảo.

"Quy định sở hữu thời hạn nhà chung cư là can thiệp quyền sở hữu, tác động lớn tới quyền lợi người dân, tác động tới thị trường bất động sản, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Vì thế phải đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng và toàn diện hơn nữa", theo lời ông Huệ.

Giải trình thêm sau đó về quy định sở hữu nhà chung cư, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết các ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn cho người sử dụng.

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, ông Định đề nghị Chính phủ tiếp thu, trình hai phương án và nêu rõ ưu - nhược điểm của từng phương án, làm cơ sở cho ĐBQH thảo luận, lựa chọn phương án tốt nhất, khả thi nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm