Nữ giao liên kể chuyện nuốt mật thư, bị tra tấn quyết không khai
(Dân trí) - Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định long trọng tổ chức gặp mặt đại biểu Quân - Dân - Chính tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bình Định (31/3/1975-31/3/2025).
Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Liên Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Bình Định, quân và dân của tỉnh đã đồng loạt tổng công kích, nổi dậy giải phóng thị xã Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Định, ngày 31/3/1975.
Với người dân Bình Định, ngày 31/3/1975, không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh gian khổ và hào hùng, mà còn cắm mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh, xây dựng vùng đất giàu đẹp, quật khởi này.

Nữ giao liên Lê Thị Hoa và cựu chiến binh Võ Lụa chia sẻ tại buổi lễ gặp mặt Quân - Dân - Chính tiêu biểu tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).
Cựu chiến binh Võ Lụa (74 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn) năm 1975. Đặc biệt, ông còn được giao nhiệm vụ trực tiếp cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên Tòa thị chính Quy Nhơn.
Bồi hồi nhớ lại những năm tháng lịch sử, cựu chiến binh Võ Lụa kể, Đại đội 2 là đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 50, được Trung đoàn 93 giao nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng ở Quy Nhơn. Trước khi đánh vào Quy Nhơn, ông đang bị thương trong trận đánh vào trụ sở ở Tuy Phước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng hoa chúc mừng 2 nhân vật khách mời giao lưu (Ảnh: Doãn Công).
"Tôi đang nằm nhà thương nhưng nhận được tin Đảng, chính quyền kêu gọi thời cơ "có 1 không 2" thôn giải phóng thôn, xã giải phóng xã… Dù vết thương chưa lành, tôi xin xuất viện để cùng anh em đánh vào Quy Nhơn", cựu chiến binh Võ Lụa kể.
Cựu chiến binh Võ Lụa cho biết, ông được Ban Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ phải đánh vào Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền tại Quy Nhơn.
"Lúc đó tôi là chính trị viên trưởng nên cảm thấy đây là nhiệm vụ rất nặng nề, gian khổ, phức tạp. Nhưng tôi động viên anh em cố gắng hoàn thành cho bằng được nhiệm vụ cao cả mà cấp trên giao", cựu binh Võ Lụa chia sẻ.
Theo cựu chiến binh Võ Lụa, đúng 12h ngày 30/3/1975, đơn vị dùng hỏa lực B40, B41, súng AK... áp chế địch và làm tín hiệu tiến công. Bị hỏa lực ta tập kích bất ngờ, địch trong Dinh kháng cự, chống trả yếu ớt và bỏ chạy tán loạn.
"Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng chứng tỏ tỉnh nhà được giải phóng, nhân dân Bình Định thoát khỏi cảnh bị áp bức. Chúng tôi luôn ghi nhớ rằng có những đồng chí tuổi vừa mười tám, đôi mươi đã ngã xuống để giữ vững nền độc lập của dân tộc", cựu chiến binh Võ Lụa chia sẻ thêm.
Dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn, việc nuôi giấu cán bộ cách mạng là việc làm nguy hiểm đến tính mạng cho bản thân và gia đình. Thế nhưng người nữ giao liên năm xưa, bà Lê Thị Hoa (84 tuổi, ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn) quyết tâm tham gia cách mạng.
Cụ Hoa cho biết, gia đình cụ là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng nên từ nhỏ đã được giao nhiệm vụ giao liên.

Cụ Lê Thị Hoa kể về những năm làm nữ giao liên, nuôi cán bộ cách mạng (Ảnh: Doãn Công).
"Có những lần bị địch phát hiện, để hủy bỏ vật chứng, tôi đã nhai rồi cố nuốt hết lá thư. Địch vẫn bắt, tra tấn sống đi chết lại nhưng tôi nhất quyết không khai. Khi biết không thể lấy được thông tin từ tôi nên chúng phải trả tự do", cụ Hoa nói.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay, đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ Quân - Dân - Chính, những người đã hy sinh máu xương, cống hiến tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, đây cũng là lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay hãy trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử cao đẹp, truyền thống vẻ vang mà cha ông đã gây dựng bằng cả tâm huyết, mồ hôi và xương máu.