Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Hoài Thu

(Dân trí) - Để bàn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024, Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận trên hội trường, bắt đầu từ chiều 31/10.

Sau phiên làm việc sáng 31/10 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), chiều cùng ngày, Quốc hội bắt đầu thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội.

Nội dung quan trọng này, như thông lệ, được bàn thảo trong 1,5 ngày làm việc của Quốc hội. Thành viên Chính phủ sẽ được mời giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cũng trong chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - 1

Các đại biểu dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, và kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc hôm 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Về kinh tế, người đứng đầu Chính phủ cho biết tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%, ước cả năm đạt trên 5%.

Theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%), nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Báo cáo mới nhất của IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%.

Một trong những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 được Thủ tướng đề cập, là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể.

Thủ tướng cho biết trong năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, lãnh đạo Chính phủ nhận định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2024, Chính phủ đặt 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.