Thủ tướng trải lòng về "những tháng ngày không thể ngủ được" khi chống dịch
(Dân trí) - Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chúng ta đã làm được những điều không tưởng, để Việt Nam "đi sau về trước" trong phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhận định này khi phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 29/10.
Đây là dịp để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm cả nước nỗ lực chống Covid-19, đại dịch ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhờ những nỗ lực lớn, những giải pháp quyết liệt, hiệu quả mang tính toàn cầu, toàn dân; kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường.
"Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch Covid-19 - một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc.
Theo ông, Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ trong phòng chống dịch, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không thể, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Thủ tướng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch. Theo ông, chúng ta đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.
Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là "khó khăn tứ bề" khi "trong tay không có gì khác", không có vaccine, không có test kit… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường.
"Hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế", theo lời lãnh đạo Chính phủ.
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc lại một số mốc thời gian quan trọng và "không thể quên" trong cuộc chiến chống đại dịch:
- Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
- Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.
- Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch.
- Ngày 31/3/2020, đối mặt với đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, trong khi thông tin hạn chế, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.
- Ngày 27/4/2021, sau hơn 1 năm chống dịch, chúng ta đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại TPHCM. "Đó là những ngày tháng không thể ngủ được", Thủ tướng chia sẻ.
- Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi lần thứ hai, gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
- Tháng 7/2021, Việt Nam bắt đầu đưa ra công thức chống dịch. Lúc đầu, công thức chỉ gồm có 5K + vaccine", song đây vẫn là việc rất có ý nghĩa, đánh dấu việc chuyển hướng từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chống dịch bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp khoa học là vaccine.
Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành "5K + vaccine + điều trị + xét nghiệm + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác". Đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.
Phân tích thêm về từng thành tố được bổ sung, Thủ tướng cho biết với gần 100 triệu dân, việc áp dụng công nghệ là cần thiết. Đồng thời, nếu không có ý thức người dân thì công việc triển khai rất khó khăn. Mặt khác, cần "các biện pháp khác" để phát huy sự sáng tạo của người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đưa ra chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Thứ nhất là lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; thứ hai, tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh "có tiền cũng không mua được" do tiếp cận vaccine không bình đẳng; thứ ba là triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.
Về ngoại giao vaccine, tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đều tham gia vận động vaccine bằng mọi cách (nhận viện trợ, vay, mượn, mua lại...). Kết quả, khoảng 1 nửa trong tổng số hàng trăm triệu liều vaccine mà Việt Nam có được là từ nguồn viện trợ.
Cũng theo Thủ tướng, một khó khăn khác là cơ chế, chính sách. Để tháo gỡ, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.
- Ngày 11/10/2021, với tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
- Ngày 20/10/2023, Covid-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.