Thủ tướng: "Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, kể cả khẩn cấp"
(Dân trí) - Từ bài học trong phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung khắc phục bất cập để đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống, kể cả khẩn cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh định hướng này khi phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 29/10.
Nhìn lại sau 3 năm nỗ lực chống đại dịch, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời khi tình hình diễn biến phức tạp hơn, thành lập hệ thống chỉ đạo từ trung ương tới cơ sở.
Việt Nam "đi sau về trước"
"Chúng ta có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đúng với việc đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tuy có những lúc bị động, lúng túng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, song công tác chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm chắc tình hình, chuyển trạng thái phù hợp từ "Zero Covid" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Kết quả, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã "đi sau về trước" trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Thông tin hơn về hiệu quả của chính sách, Thủ tướng cho biết đến hết năm 2022, Việt Nam đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 50.000 tỷ đồng.
Các cơ quan cũng đã miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng và hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các địa phương cũng chủ động triển khai chương trình an sinh xã hội và thực hiện hỗ trợ với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150.000 tấn gạo được xuất cấp...
"Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực", Thủ tướng khẳng định.
Chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" còn khó hơn
Nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Trong đó, ông cho rằng, phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn, sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả đại dịch còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.
Thủ tướng cho rằng, dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.
Trước đó, chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vào thời điểm đại dịch bùng phát, các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" càng khó hơn.
TPHCM "mở cửa" nền kinh tế từ ngày 1/10/2021, song lúc này, ông Mãi cho biết còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình, phản đối. Dù vậy, TPHCM trên cơ sở đánh giá tình hình đã mạnh dạn "mở cửa" song song với các biện pháp tiếp tục kiểm soát phòng chống dịch.
Cũng từ câu chuyện chống dịch, lãnh đạo TPHCM bày tỏ tâm tư, mong muốn dành sự kính trọng, tôn vinh đối với ngành y tế mặc dù xảy ra một số vụ việc thời gian qua, trong đó có lực lượng quân y.
"Không nên vì những sai phạm ở Học viện Quân y mà chúng ta nhìn khác hoặc có cái nhìn sai lệch về những cống hiến của lực lượng quân y cũng như cả ngành y tế", theo lời ông Mãi.