1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Quốc hội không phải là nơi muốn nói gì thì nói!”

"Lời nói trước Quốc hội của các đại biểu là ý chí, nguyện vọng của cử tri; còn lời nói của các chính khách là nói trước cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vì vậy nó phải mang tính trách nhiệm và có giá trị pháp lý cao" - Ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thẳng thắn.

Nếu theo dõi sẽ thấy những kỳ họp gần đây, hầu hết các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH) đều sẵn sàng nhận khuyết điểm về bất cứ chuyện gì, việc gì, nhưng ít ai đưa ra những cam kết rõ ràng, cụ thể về việc khắc phục những khuyết điểm ấy. Ông thấy thế nào?

 

Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh của một chính khách. Tôi nhớ là tại kỳ họp thứ 8, khi đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) có chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực về việc không cho ghi nợ thuế chuyển quyền sử dụng đất gây khó khăn cho cuộc sống người dân, đặc biệt là nông dân.

 

Ngay tại diễn đàn, ông Trực nói: "Tôi đồng ý với quan điểm của chị và nếu Bộ Tài chính đồng ý thì ngay sau kỳ họp này tôi sẽ trình Chính phủ cho phép ghi nợ và chỉ phải trả nợ khi có giao dịch". Và tôi theo dõi thì đúng là sau đó Chính phủ có ban hành một nghị định quy định việc này. Nhưng đáng tiếc những lời hứa như vậy có vẻ rất hiếm.

 

Vừa rồi Ban Dân nguyện có báo cáo rằng, Ban này đã lọc ra những lời hứa hoặc mang tính chất lời hứa trong kỳ chất vấn trước để giám sát việc thực hiện nhưng hầu hết các Bộ trưởng khi được hỏi đều không thừa nhận rằng mình đã hứa. Tại sao lại như vậy?

 

Tôi đã từng nói, diễn đàn QH không phải là nơi đến đó hứa hẹn, nhận khuyết điểm rồi thôi. Thứ nhất là trách nhiệm và lòng tự trọng của một chính khách buộc các cam kết đã đưa ra phải được giải quyết; thứ hai là trách nhiệm của đại biểu là phải bám cho đến cùng, phải làm rõ.

 

Về nguyên tắc thì người trả lời chất vấn có quyền né tránh không trả lời vấn đề này, vấn đề kia, người ta có thể đổ trách nhiệm cũng là bình thường. Vấn đề là người chất vấn, ở đây là đại biểu QH phải giữ đúng nguyên tắc: không phải hỏi để lấy thông tin mà là tôi đã biết rồi, bây giờ tôi chất vấn anh để xác định trách nhiệm. Nên kết quả của chất vấn phải là xác định trách nhiệm và hệ quả pháp lý là bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc phải có một cam kết rõ ràng, một lời hứa.

 

Và đáng lẽ ra sau mỗi phiên chất vấn, QH nên ban hành nghị quyết xác định trách nhiệm từng cá nhân trả lời chất vấn và những tồn tại, cần giải quyết, đưa ra cả hạn định về thời gian cuối cùng phải giải quyết đối với những việc cụ thể. Đã nói thì phải làm, mà không làm thì QH sẽ thi hành quyền lực của mình: bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Nói như Ban Dân nguyện là có Bộ trưởng hứa rồi lại chối thì phải làm thế nào?

 

Đây lại là vấn đề trách nhiệm của đại biểu. Họ (người chất vấn) phải yêu cầu người trả lời chất vấn phải cam kết, giải quyết thế nào? Nhận trách nhiệm ra sao? Bao giờ giải quyết? Thậm chí ngay trong phiên chất vấn, đại biểu có quyền có ý kiến: "Tôi đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm" nếu như thấy trách nhiệm đã rõ ràng. Tôi chờ mãi không thấy đại biểu nào nói câu đó, mặc dù có những trường hợp tôi thấy nhiều đại biểu QH đã trao đổi về yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông này, bà kia bên hành lang hội trường Ba Đình.

 

Ông có thể nói cụ thể ví dụ nào không?

 

Tại kỳ họp trước, khi trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Việt Nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy nói rằng, chuyện ngôi nhà của ông là không có vấn đề gì, nó hợp pháp. Thế nhưng giờ thì mọi người biết cả rồi, không có vấn đề gì sao ông ấy phải trả lại nhà?

 

Ông nói con trai ông không dính dáng gì đến các hợp đồng làm ăn với ngân hàng do ông là người phụ trách, nhưng mới rồi ông ấy lại trả lời trên báo là con ông chỉ làm hợp đồng nhỏ, hơn 600 triệu đồng.

 

Bấy nhiêu thôi đã thấy rõ là ông Thúy nói không đúng, không thật trước QH. Ông có tôn trọng QH không? QH hoàn toàn có quyền đòi hỏi trách nhiệm của ông ấy tại kỳ họp này.

 

Tại sao chế định về bỏ phiếu tín nhiệm lại chưa thực hiện được?

 

Thứ nhất là cơ chế về bỏ phiếu tín nhiệm còn quá ngặt nghèo; thứ hai, theo tôi QH, nói đúng hơn là đại biểu QH chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa sử dụng hết quyền lực của mình mà luật đã quy định.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Tuyết Nhung
Thanh Niên