1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tại tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn kết trái đang thiếu nước tưới. Địa phương này dự báo một số cây trồng chủ lực sẽ mất mùa trong niên vụ tới.

Giữa nắng nóng gay gắt, vợ chồng ông Đinh Phú Hải (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) hì hục nối thêm 3m ống nhựa, cố gắng đưa nước từ lòng hồ Đắk Ken về tưới cho vườn cà phê của gia đình.

Ngoài máy bơm của ông Hải, trên bờ có 20 máy nằm chờ sẵn. Tuy nhiên, chỉ còn một máy hoạt động, hút lượng nước ít ỏi trong hồ để tưới cho vườn cây.

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa - 1

Nhiều nông dân quay cuồng tìm cách để đưa nước tưới về vườn cây của gia đình (Ảnh: Đặng Dương).

Rẫy ông Hải cách hồ Đắk Ken khoảng 1km, đã tưới đợt 3 cách đây hơn 20 ngày. Nắng nóng kéo dài khiến vườn cà phê của gia đình ông héo rũ. Lúc này, ngoài đợi trời mưa, việc dẫn nước từ hồ Đắk Ken là cách tốt nhất mà vợ chồng ông Hải có thể làm để cứu vườn cây của mình.

Ông Hải cho biết, cả tuần nay vợ chồng ông canh ở hồ nước. Khi đập trung chuyển được bơm nước sẽ dẫn về tưới ngay cho cà phê. Có người không chịu được nắng nóng, bỏ mặc máy giữa hồ, vài tiếng đồng hồ mới ra xem nguồn nước.

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa - 2

Những hồ nước cạn trơ đáy xuất hiện ngày càng nhiều tại Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương).

Ông Cao Văn Điệp (trú thôn Tân Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) cũng đang tìm cách để giải hạn cho 1ha cây trồng của mình.

Để chủ động nguồn nước, ông Điệp thuê máy múc 3 ao chứa nước rộng hơn 2.500m2. Đến nay, nước trong ao của gia đình ông Điệp có thể tưới thêm được ít nhất một đợt.

Theo dự báo, tình hình khô hạn diễn biến khốc liệt nên ông Điệp đã tính toán tưới giãn các đợt, tiết kiệm nước. Tuy nhiên, khô hạn kéo dài, hồ sẽ khô cạn và nguy cơ cây thiếu nước, chết luôn hiện hữu.

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa - 3

Nhiều sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều đã khô cạn (Ảnh: Đặng Dương)

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil, đến cuối tháng 4, nếu nắng nóng kéo dài, địa phương này sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ.

Đặc biệt tại các xã Đắk Gằn, Đắk R'la, Đắk N'Drót, Đắk Lao, Đức Mạnh, Thuận An, hơn 1.000ha cây trồng các loại có nguy cơ mất mùa do thiếu nước tưới.

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa - 4

Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài, một số nơi sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới (Ảnh: Đặng Dương).

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết niên vụ 2023-2024, một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh này được mùa, được giá. Tuy nhiên tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới một số cây trồng chủ lực của Đắk Nông và dự báo sẽ mất mùa trong niên vụ tiếp theo.

Vị Giám đốc chia sẻ thêm, dù xuất hiện một số cơn mưa nhưng lượng nước không đáng kể. Đến nay, có 18 công trình cạn kiệt nguồn nước, dự kiến xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 1.810ha cây trồng.

Quay cuồng chống hạn, Đắk Nông vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa - 5

Đến thời điểm hiện tại có 18 công trình thủy lợi ở Đắk Nông đã cạn kiệt nguồn nước (Ảnh: Đặng Dương).

Mới đây, khi đi kiểm tra tình hình khô hạn tại một số địa phương, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhận định mùa khô 2023-2024 diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 5 văn bản và 1 kế hoạch chỉ đạo các đơn vị liên quan phục vụ công tác phòng, chống hạn hán.

Để bảo đảm nguồn nước tưới, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các biện pháp chống hạn, sử dụng tất cả nguồn nước để phục vụ sản xuất, tiết kiệm nguồn nước tưới.