Quảng Trị: Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

(Dân trí) - Dù mới bước vào đầu mùa khô hạn nhưng hàng ngàn hộ dân tại một số địa phương huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nếu nắng hạn còn tiếp diễn sẽ khiến đời sống của người dân các địa phương này gặp muôn vàn khó khăn.

Trong khi người dân đang cố gắng làm đủ mọi cách để tìm kiếm nguồn nước bên ngoài thay thế cho nước máy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang nỗ lực tìm các biện pháp tháo gỡ, thì thời tiết lại ngày càng khô hạn. Bài toán tìm kiếm nguồn nước hiện nay càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chưa bao giờ người dân huyện Hướng Hóa phải đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt như hiện nay
Chưa bao giờ người dân huyện Hướng Hóa phải đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt như hiện nay

Hồ đập cạn kiệt, cây trồng chết khô

Đến huyện Hướng Hóa trong những ngày này, không khó để nhận thấy sự khắc nghiệt của thời tiết, bởi nhìn đâu cũng thấy cảnh tượng cây cối bị chết khô, đất đai nứt nẻ, hồ đập bị cạn kiệt nước. Dù thời điểm này mới bước vào đầu mùa khô, nhưng người dân các địa phương đã bắt đầu cảm nhận được sự bức bách trong việc tìm kiếm nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Hồ nước Khe Sanh bị cạn nước, đất đai nứt nẻ
Hồ nước Khe Sanh bị cạn nước, đất đai nứt nẻ

Hồ nước tại thị trấn Khe Sanh những năm trước là nơi cung cấp nước dồi dào phục vụ sản xuất cho người dân các địa phương và điều hòa khí hậu trong vùng, thì nay đã bị cạn trơ đáy, đất đai nứt nẻ. Tương tự, tại các dòng sông, kênh mương chảy qua địa bàn như sông Sê Pôn, nguồn nước cũng đang bị cạn kiệt dần.

Dòng sông bị cạn trơ đáy
Dòng sông bị cạn trơ đáy

Tại các xã vùng Lìa, mặc dù mấy ngày gần đây có xuất hiện mưa dông nhưng cũng nằm trong tình trạng hạn hán khốc liệt. Phần lớn diện tích cây cà phê do không có nguồn nước tưới nên cũng bị khô héo. Bên cạnh đó, cây sắn, cây lúa cũng đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Người dân các địa phương vùng Lìa phải đi lấy nước từ các khe suối đã cạn khô
Người dân các địa phương vùng Lìa phải đi lấy nước từ các khe suối đã cạn khô

Bên cạnh nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, tình trạng hạn hán khốc liệt đã làm cho các hồ, khe suối dọc các xã vùng Lìa trơ cạn đáy. Các công trình nước tự chảy đã không còn hoạt động hiệu quả do thiếu nước. Người dân phải vét nước sinh hoạt tại các suối cạn, với nguy cơ mất vệ sinh rất cao.

Nước quý hơn…vàng!

Việc thiếu nước càng trở nên trầm trọng hơn và tiếp diễn trong nhiều tháng nay, đặc biệt là thời gian từ đầu tháng 5 trở lại đây. Theo đó, gần 3.500 hộ dân của các địa phương như Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh không đủ nguồn nước để sinh hoạt. Bấy lâu nay, bà con các địa phương này sử dụng nguồn nước máy do Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cung cấp. Tuy nhiên hiện nay, do thiếu nước nên đơn vị này buộc phải cắt nước luân phiên, và như vậy người dân nơi đây đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tuy vậy, đây mới chỉ một phần nhỏ dân số sử dụng nguồn nước máy, còn lại gần 10 ngàn hộ dân khác cũng đang quay quắt vì nắng hạn, thiếu nước sinh hoạt.

Được biết, Nhà máy cấp nước Khe Sanh có công suất hoạt động 3.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay đang bị quá tải, hoạt động cầm chừng và chỉ đảm bảo được khoảng 60% nhu cầu của người dân do không có nước để cung cấp. Chính vì vậy đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 3.450 hộ dân các địa phương.

Bị cắt nước liên tục, ông Chiến phải đi mua nước bên ngoài
Bị cắt nước liên tục, ông Chiến phải đi mua nước bên ngoài

Theo người dân các địa phương này, trong thời gian hơn 1 tháng nay, xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cắt nước 2-3 ngày liên tục, nhưng không thông báo trước, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Để tìm nguồn nước thay thế, một số hộ dân phải đầu tư tiền bạc để khoan giếng tìm nguồn nước ngầm. Thậm chí, một số hộ dân đành phải đi mua từ bên ngoài với giá từ 100 – 150 ngàn/1.000 lít.

Ông Lê Chiến, trú tại thị trấn Khe Sanh nói: “Chưa bao giờ nắng hạn lại kéo dài như hiện nay. Đã thế người dân chúng tôi lại không có nước để sinh hoạt do nhà máy cắt nước. Gần một tháng nay, gia đình tui phải đi mua nước từ bên ngoài để có mà nấu ăn, tắm giặt. Do nguồn nước khan hiếm nên phải sử dụng tiết kiệm, chắt chiu từng giọt, nếu không sẽ không đủ”.

Bị cắt nước liên tục, ông Chiến phải đi mua nước bên ngoài
Sau khi tự bỏ tiền ra khoan giếng, gia đình ông Cờ đã có đủ nguồn nước và còn cho các hộ dân lân cận

Vì không có nguồn nước sinh hoạt, gia đình ông Lê Cờ, trú tại Khe Sanh phải đầu tư gần 20 triệu đồng để khoan giếng. Nhờ vậy những hộ dân lân cận đã mang bình chứa đến nhà ông để xin hoặc mua nước về sử dụng. Ông Cờ cho biết: “Nhà máy cứ cắt nước liên tục, tiết trời thì nắng nóng nhưng không có nước để dùng. Không chịu đựng nổi cảnh đi mua nước bên ngoài nên tui gọi người về khoan để tìm nguồn nước ngầm. Những hộ dân xung quanh nếu có nhu cầu lấy nước sinh hoạt thì tui cho bơm, còn hộ nào kinh doanh thì đành phải bán với giá 5.000 đồng/100 lít”.

Để có nước sinh hoạt, gia đình bà Hiệp phải mua dụng cụ để chứa
Để có nước sinh hoạt, gia đình bà Hiệp phải mua dụng cụ để chứa

Gia đình bà Hiệp những ngày qua cũng phải sử dụng nguồn nước xin từ nhà ông Cờ, do tình trạng mất nước kéo dài. Để đảm bảo sinh hoạt, gia đình bà phải mua thêm dụng cụ để trữ nước. Bà Hiệp cho hay: “Hơn một tháng nay cứ bị cắt nước liên tục nên không có để sinh hoạt. Ngay cả chuyện nấu ăn còn phải sử dụng tiết kiệm, chứ chưa nói đến việc tắm giặt. Không biết bà con phải chịu đựng cảnh tượng này đến bao giờ nữa”.

Loay hoay tìm giải pháp

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn xảy ra tại nhiều địa phương thuộc huyện Hướng Hóa,…khiến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho biết, mặc dù đơn vị đã cố gắng tìm cách duy trì việc cung cấp nguồn nước cho người dân. Thế nhưng, hiện nguồn nước từ nguồn Hướng Tân, đổ về dự trữ tại hồ Đại Thủy đã bị cạn nên không thể bơm được. Trong khi đó chưa tìm được nguồn khác để thay thế.

Theo ông Thiện, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hạn hán kéo dài, không có mưa. Mặt khác, do một số hộ dân sống ở đầu nguồn đã chặn dòng để lấy nước phục vụ sản xuất, dẫn đến việc nước chảy về hồ Đại Thủy không đủ để bơm. “Chúng tôi đã đi kiểm tra, đồng thời cắt cử người đi nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng khi mình rời đi thì người dân cứ lấp lại. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, Xí nghiệp đành phải báo cáo sự việc lên huyện để xin ý kiến và đề nghị can thiệp”.

Để có nước sinh hoạt, gia đình bà Hiệp phải mua dụng cụ để chứa
Do nguồn nước đầu nguồn bị cạn kiệt nên hồ Đại Thủy, nơi tích nước để cung cấp cho gần 3.500 hộ dân bị cạn, không đủ để bơm

Ông Thiện cũng cho hay, vì không có đủ nguồn nước để cung cấp cho toàn bộ 3.450 hộ dân tại các địa phương nên đành phải cắt nước luân phiên, phân vùng, điều phối để đảm bảo nhu cầu có nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân. Tuy nhiên, làm như vậy cũng chưa giải quyết được tình hình, bởi những khu vực gần nhà máy thì có nước, còn những vùng ở xa thì nguồn nước quá yếu nên không chảy đến được. Người dân cũng phản ánh rất nhiều nhưng chúng tôi cũng chỉ biết chờ thời tiết mà thôi.

Nắng hạn kéo dài, người dân các địa phương chỉ biết ngẩng mặt cầu trời mưa
Nắng hạn kéo dài, người dân các địa phương chỉ biết ngẩng mặt cầu trời mưa

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Lê Quang Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Do nắng hạn kéo dài nên không chỉ 3.450 hộ dân sử dụng nguồn nước từ Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh bị thiếu mà còn hàng chục ngàn hộ ở nhiều địa phương trong huyện cũng lâm vào cảnh tương tự. Bên cạnh đó, do các hồ đập bị cạn kiệt nên không có nguồn nước tưới khiến nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp bị khô.

“Trước mắt, huyện đã giao cho Xí nghiệp cân đối để ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, vừa cho sản xuất vì đây là lợi ích chung. Về lâu dài, huyện cũng đã đề nghị phía Công ty cấp nước tích cực nạo vét dòng sông, tìm kiếm, khảo sát, đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước từ khu vực Pa Nho, cách nhà máy khoảng 2km; xây dựng thêm bể lắng, bể lọc để nâng cao khả năng tích nước. Thế nhưng, do nguồn vốn chưa có nên phía Công ty này hứa sẽ khảo sát để có giải pháp sớm nhất nhằm phục vụ người dân” – ông Thuận nói.

Đăng Đức