1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Quần thể 725 cây pơmu cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(Dân trí) - Đây là quần thể pơmu nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, có quy mô lớn nhất hiện nay được công nhận là Cây Di sản Việt Nam với số lượng lên đến 725 cây; là quần thể pơmu cổ thụ “độc nhất vô nhị” ở Quảng Nam cũng như ở Việt Nam.

Tối 10/5, tại Quảng trường trung tâm huyện Tây Giang, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Giang đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận quần thể 725 cây pơmu là Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao tặng.

Lãnh đạo huyện Tây Giang đón nhận bằng công nhận vườn pơmu là cây Di sản Việt Nam tối 10/5
Lãnh đạo huyện Tây Giang đón nhận bằng công nhận vườn pơmu là cây Di sản Việt Nam tối 10/5

Theo số liệu điều tra khảo sát của BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, quần thể phân bố trên diện tích 240ha gồm các khoảnh 4,5,6 thuộc tiểu khu 94; khoảnh 7 tiểu khu 97 và khoảnh 5 thuộc tiểu khu 101.

Lễ gắn biển vườn pơmu là cây Di sản Việt Nam
Lễ gắn biển vườn pơmu là cây Di sản Việt Nam

Tổng số cây pơmu đo đếm được là 1.366 cây, trong đó số cây có đường kính thân ở vị trí 1,3m từ 10cm trở lên là 1.243 cây, số cây có đường kính dưới 10cm (cây tái sinh) là 123 cây. Cây lớn nhất có chu vi thân 7,52m.

Một trong những cây pơmu “khủng”
Một trong những cây pơmu “khủng”

Quần thể pơmu này được phân bố trên địa bàn 2 xã Tr’hy và Axan thuộc huyện Tây Giang; do được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt nên gần như còn nguyên vẹn.

Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa vườn pơmu quý này, chính quyền và nhân dân địa phương đã lập hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận Cây Di sản với số lượng cây đăng ký là 725 cây.


Một cây pơmu khủng với gần 10 người ôm không xuể.

Một cây pơmu "khủng" với gần 10 người ôm không xuể.

Theo ông Bhling Mia – Chủ tịch huyện Tây Giang, 725 cây này được lựa chọn trong số 1.366 cây pơmu hiện có, có chu vi thân từ 2,4m trở lên; được đánh số từng cây và gắn tọa độ GPS.

725 cây pơmu đăng ký Cây Di sản Việt Nam đều có độ tuổi trên 250 năm, cây lớn nhất trên 1.000 tuổi. Tuổi cây được xác định bằng phương pháp khoan tăng trưởng trên thân cây để xác định độ dày của từng năm sinh trưởng.

Hiện tại quần thể pơmu vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, một số ít cây bị chết do sét đánh và một số cây bị gãy cành do gió bão và tuổi tác.

Kiểm lâm giới thiệu về “cụ pơmu” và lễ gắn biển Cây Di sản.

Chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự giúp đỡ của một số cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp chống sét cho quần thể cây pơmu đặc biệt này.

Về giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, ông Bhling Mia cho biết: Quyần thể cây pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơtu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước”.

Bên cạnh đó, quần thể cây pơmu là nhân chứng lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc Tây Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cũng nhân dịp này, tỉnh Quảng Nam công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL công nhận điệu múa tâng tung - da dá, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào dân tộc Cơtu là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; chứng nhận bảo trợ làng truyền thống Cơtu Tây Giang là Di sản văn hóa của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Công Bính