1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma

(Dân trí) - Là một trong số ít người sống sót trở về sau trận quyết chiến ở Gạc Ma (thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988), dù mang mình không ít vết thương, nhưng cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau, mở quán phở để mưu sinh.

Bình Định: Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma

Sáng 14/3/2017, đúng tròn 29 năm tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, tôi tìm đến quán phở mang cái tên rất lịch sử quán phở “Trường Sa” của cựu binh Lê Minh Thoa - là một trong số ít đồng đội tham gia chiến đấu và sống sót trở về trong trận tử chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Như bao ngày bình thường, anh Thoa vẫn miệt mài với công việc bán phở mưu sinh. Hàng ngay, anh Thoa dậy từ rất sớm chuẩn bị đồ ăn sáng phục vụ cho khách. Khách đến quán cũng đủ thành phần từ anh xe thồ, bác xích lô đến những cựu chiến binh thường tham gia chiến trường. Họ đến đây ngoài ăn sáng ủng hộ anh, còn để nhớ đến chiến công anh dũng của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam, đã kiên cường chiến đấu, hy sinh để bảo về đảo Gạc Ma.


Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa tranh thủ bán phở sáng hàng ngay để mưu sinh

Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa tranh thủ bán phở sáng hàng ngay để mưu sinh

Quán vừa thưa khách, cựu binh Lê Minh Thoa, tâm sự: “Vì cuộc sống mưu sinh, cha mẹ già, vợ con mình phải gắng làm thôi. Tranh thủ bán xong sáng nay tôi lên đường vào Phú Yên để dự gặp mặt truyền thống tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Cứ đến dịp này, tôi lại xúc động, bồi hồi tưởng nhớ về đồng đội, những người còn sống và cả những người đã hy sinh. Có lẽ, tôi cũng như các thế hệ mai sau không được phép quên trận chiến này”.

Trong trận chiến đó, anh Thoa cùng 8 động đội khác bị quân Trung Quốc bắt giam và chịu tù đầy hơn 3 năm. Tháng 9/1991, anh Thoa cùng các chiến sĩ được Trung Quốc phóng thích về nước. Sau đó, anh Thoa xin quay về Quân chủng Hải quân trong đội hình Lữ đoàn 125 đóng ở Tân Cảng Sài Gòn. Tháng 11/1996, anh ra quân với quân hàm Trung úy, thương tật 11% và nhận trợ cấp một lần.

Đặc biệt, trong nhóm tù binh từ Trung Quốc về nước, có 4 người được chứng nhận thương binh. Riêng anh, với nhiều vết thương ở hàm, bàn tay, thái dương trái, vai trái, chân phải… nhưng vẫn vô vọng tìm kiếm cơ quan chức năng giám định lại thương tật.

Mãi đến tháng 8/2015, anh Thoa mới được công nhận là cựu tù chính trị được hưởng số tiền 791.000 đồng/tháng. Thế nhưng, gần đây anh Thoa mới phát hiện trong thái dương trái và vai trái vẫn còn mảnh đạn găm trong người chưa được phẫu thuật.

Tâm sự với PV Dân trí, anh Thoa cho biết: Nguyện vọng của anh là được phẫu thuật lấy mảnh đạn ra và giám định lại thương tật.

Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa ở số nhà 5D, đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa ở số nhà 5D, đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Khách đến ủng hộ quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma
Khách đến ủng hộ quán phở Trường Sa của cựu binh Gạc Ma

Tô phở bình dân chỉ giá 20.000 đồng/tô
Tô phở bình dân chỉ giá 20.000 đồng/tô
Có nhiều người là cựu chiến binh từng tham gia ở các chiến trường khác cũng tìm đến quán để ăn và nhớ đến trận chiến bảo vệ Gạc Ma
Có nhiều người là cựu chiến binh từng tham gia ở các chiến trường khác cũng tìm đến quán để ăn và nhớ đến trận chiến bảo vệ Gạc Ma
Ngoài bán phở sáng thì anh Thoa cùng cha làm thêm công việc bơm vá xe kiếm thêm thu nhập
Ngoài bán phở sáng thì anh Thoa cùng cha làm thêm công việc bơm vá xe kiếm thêm thu nhập

Doãn Công