Quảng Trị:

Những người lính Gạc Ma ngày ấy, bây giờ

(Dân trí) - Nhắc đến trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988, người dân Việt Nam vẫn chưa quên được hình ảnh đầy bi tráng của các chiến sĩ Hải quân nắm chặt tay nhau tạo thành “vòng tròn bất tử”, chấp nhận hy sinh bảo vệ cờ Tổ quốc.

Trong trận chiến năm ấy, 6 người con của quê hương Quảng Trị cũng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau đó một năm (1988), các anh lên tàu ra làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng quần đảo Trường Sa. Khi trận chiến nổ ra, 64 chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, trong đó có 2 liệt sĩ ở Quảng Trị là Hoàng Ánh Đông và Tống Sỹ Bái cùng vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển sâu.

Bốn người chiến sĩ còn lại, một người bị quân đối phương bắt làm tù binh, 3 người xuất ngũ trở về đời thường vẫn luôn mang trong mình nỗi day dứt, tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống.

Trận chiến không cân sức…

Trong ký ức của cựu binh Võ Văn Doàn (48 tuổi, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), trận hải chiến Gạc Ma cách đây 29 năm vẫn khắc sâu vào tâm trí. Anh Doàn nói rằng, trận chiến ngày 14/3 năm ấy vẫn luôn ám ảnh trong lòng, khi 64 chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi muôn trùng sóng nước.

Tháng 3/1987, anh Doàn nhập ngũ, công tác tại Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83 Hải Quân). Đến năm 1988, anh Doàn cùng đồng đội hành quân trên tàu HQ 604 đi xây dựng và bảo vệ tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Khi lên đảo Gạc Ma cắm cờ, nhiều đồng đội của anh đã ngã xuống trước hỏa lực của quân đối phương. Anh Doàn may mắn sống sót và leo lên một chiếc xuồng trôi lênh đênh trên biển cùng rất nhiều chiến sĩ khác đã bị thương. Sau đó, các anh được một tàu của lực lượng ta cứu lên rồi đưa vào đảo Sinh Tồn.

“Rạng sáng 14/3/1988, các tàu chiến đối phương áp sát đảo Gạc Ma. Các tàu này được trang bị hỏa lực mạnh, trong khi các tàu Việt Nam chỉ là tàu hải vận. Khi lực lượng Hải quân Việt Nam cắm cờ trên đảo, lính đối phương đã cầm vũ khí bắn xối xả khiến rất nhiều anh em ngã xuống”, anh Doàn nhớ lại.

Hai cựu binh Trần Thiên Phụng và Võ Văn Doàn (áo đỏ) xem lại kỷ vật là bức ảnh của đồng đội đã hy sinh
Hai cựu binh Trần Thiên Phụng và Võ Văn Doàn (áo đỏ) xem lại kỷ vật là bức ảnh của đồng đội đã hy sinh

Anh Trần Thiên Phụng, một người lính Gạc Ma năm 1988 kể: Ngày 12/3/1988, lính Trung đoàn 83 lên 3 chiếc thuyền đi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa. Đến chiều 13/3, ba tàu của ta đã tiến gần đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin thì bất ngờ bị tàu quân sự phía đối phương bao vây. Sáng 14/3/1988, tàu quân sự Trung quốc một mặt cho quân đổ bộ vào đảo Gạc Ma, mặt khác tập trung hỏa lực tấn công vào tàu của ta. Tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhiều chiến sĩ bên ta hy sinh. Tàu HQ-604 và tàu HQ-605 bị trúng hỏa lực mạnh của địch và dần chìm xuống biển, còn tàu HQ-505 bị hư hại nặng.

Sau trận chiến ấy, anh Phụng bị lực lượng đối phương bắt làm tù binh. Một thời gian dài mất liên lạc nên khi nhận được giấy báo tử, gia đình đã lập bàn thờ cho anh tại quê nhà. Đến tháng 9/1991, anh cùng 8 đồng đội được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu nghị Quan ở Lạng Sơn. Riêng anh Doàn, khi thoát chết ở trận Gạc Ma, anh tiếp tục ở lại đơn vị, tham gia xây dựng thêm nhiều đảo chìm khác. Đến tháng 2/1990 mới xuất ngũ trở về quê.

“Cuộc chiến” với đời thường

Những cựu binh Gạc Ma chúng tôi gặp đều có những “góc khuất” số phận riêng. Ai cũng phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. Ngoài cựu binh Võ Văn Doàn, cuộc sống của các anh còn lại dù chưa đầy đủ, sung túc nhưng cũng có gia đình hạnh phúc, con cái lớn khôn. Khi trở về đời thường, các anh lại lao đầu vào với cuộc sống mưu sinh mà các anh gọi vui là “cuộc chiến giữa đời thường”.

Mấy năm qua, anh Phụng mở một quán bún trong con hẻm nhỏ tại TP Đông Hà để kiếm sống. Dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp gia đình phần nào trang trải cuộc sống. Anh Phụng tâm sự: “Chúng tôi được trở về, có một mái ấm gia đình hạnh phúc đã là sự may mắn. Mình còn sức, còn tay chân thì cố gắng lao động để lo cho gia đình và con cái ăn học. Còn các anh khác thì vĩnh viễn nằm lại dưới đại dương, đến mảnh xương cũng không lấy được”.

Lập gia đình khá muộn nên con của anh Doàn vẫn còn khá nhỏ
Lập gia đình khá muộn nên con của anh Doàn vẫn còn khá nhỏ

Còn anh Võ Văn Doàn, gia đình đông anh em, lại không có điều kiện nên phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Hạnh phúc đến với anh Doàn khá muộn ở tuổi 45, anh quen biết chị Trần Lê Minh Hạnh (42 tuổi) làm nghề may rồi kết hôn. Cưới vợ rồi, anh Doàn xin giữ xe ở chợ Đông Hà, rồi thuê phòng trọ ở gần đó để sinh sống. Ba 3 năm chung sống, đôi vợ chồng có với nhau một con gái, nhưng hiện tại đang sống trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Với nguồn thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng nên không đủ để nuôi cả gia đình. Vì vậy hai vợ chồng phải sống tạm nhà vợ để đỡ tiền thuê nhà. Tuy nhiên nhà mẹ vợ cũng đông anh em, nên hai vợ chồng anh Doàn ở trong căn phòng rất chật chội đã xuống cấp. Chính vì vậy, anh luôn mong ước có được căn nhà nhỏ để cả gia đình chung sống.

Hai cựu binh Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình trở về sau chuyến biển
Hai cựu binh Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình trở về sau chuyến biển

Hai cựu binh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú tại xã Gio Việt, Gio Linh) và Trần Xuân Bình (SN 1970, trú tại Gio Thành, Gio Linh) may mắn sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, nay phải chật vật với cuộc sống. Anh Bình trở về quê hương cũng bắt tay vào lao động sản xuất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Còn anh Dũng vốn xuất thân từ nghề biển nên anh đã đóng một con thuyền nhỏ để đánh bắt, đảm bảo cuộc sống.

Thi thoảng công việc nhàn rỗi, các cựu binh lại có dịp hội ngộ, cùng nhau ôn lại quá khứ, thời điểm anh em sát cánh bên nhau trước khoảnh khắc sinh, tử. Sau đó, cùng nhau đi thắp nén nhang cho đồng đội của mình. Trận chiến Gạc Ma đã đi vào ký ức các anh.

Đăng Đức