1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phú Thọ công bố sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã

Thế Kha

(Dân trí) - UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, thành, thị) trong giai đoạn 2023-2025 nhưng sắp xếp, điều chỉnh đối với 80 đơn vị hành chính cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang vừa ký ban hành Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023-2025, trình Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, phê duyệt.

Phú Thọ công bố sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang (Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ).

Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Phú Thọ đề nghị giữ nguyên đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (13 huyện, thành, thị); sắp xếp, điều chỉnh với 80 ĐVHC cấp xã.

Số lượng ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ sau khi sắp xếp giai đoạn 2023-2025 là 177 (15 phường, 11 thị trấn và 151 xã). Số ĐVHC cấp xã giảm sau sắp xếp là 48 xã.

Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2, dân số hơn 1,4 triệu người. Toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị (thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh)

Thành phố Việt Trì sẽ sáp nhập phường Vân Cơ và phường Nông Trang; sáp nhập phường Thọ Sơn và phường Bến Gót.

Tại huyện Đoan Hùng sáp nhập 3 xã Chân Mộng, Minh Phú và Vụ Quang; sáp nhập 3 xã Minh Tiến, Tiêu Sơn và Yên Kiện; sáp nhập 2 xã Hùng Long và Vân Đồn; sáp nhập xã Vân Du và xã Chí Đám; sáp nhập xã Minh Lương và xã Bằng Doãn; sáp nhập xã Sóc Đăng và thị trấn Đoan Hùng.

Sau khi sắp xếp, huyện Đoan Hùng có 14 ĐVHC cấp xã (giảm 8).

Huyện Hạ Hòa sáp nhập 3 xã Bằng Giã, Minh Côi và Văn Lang; sáp nhập xã Lang Sơn và Yên Luật; sáp nhập 3 xã Phương Viên, Gia Điền, Ấm Hạ; sáp nhập xã Hà Lương và Đại Phạm; sáp nhập xã Minh Hạc và thị trấn Hạ Hòa.

Sau sắp xếp, huyện Hạ Hòa sẽ có 13 ĐVHC cấp xã (giảm 7).

Huyện Thanh Ba sẽ sáp nhập 3 xã Vân Lĩnh, Đông Lĩnh và Đại An; sáp nhập 3 xã Võ Lao, Khải Xuân và Ninh Dân; sáp nhập xã Thanh Hà, Sơn Cương và Chí Tiên; sáp nhập 3 xã Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn và Lương Lỗ; sáp nhập xã Đồng Xuân và thị trấn Thanh Ba.

Sau sắp xếp, huyện Thanh Ba có 10 ĐVHC cấp xã (giảm 9).

Phú Thọ công bố sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã - 2

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Phú Thọ).

Huyện Cẩm Khê sáp nhập 3 xã Tuy Lộc, Ngô Xá và Thụy Liễu; sáp nhập 3 xã Cấp Dẫn, Xương Thịnh và Sơn Tình; sáp nhập xã Phú Khê, Tạ Xá và Yên Tập; sáp nhập 3 xã Phú Lạc, Chương Xá và Văn Khúc.

Sau sắp xếp, huyện Cẩm Khê có 16 ĐVHC cấp xã (giảm 8).

Huyện Phù Ninh sáp nhập 3 xã Phú Nham, Gia Thanh và Tiên Du; sáp nhập 3 xã Bảo Thanh, Hạ Giáp và Trị Quận; sáp nhập xã Liên Hoa, Lệ Mỹ và Phú Mỹ. Sau sắp xếp, huyện này có 11 ĐVHC cấp xã (giảm 6).

Huyện Lâm Thao sáp nhập 3 xã Xuân Huy, Thạch Sơn  và Xuân Lũng. Sau sắp xếp, huyện Lâm Thao có 10 ĐVHC cấp xã (giảm 2).

Huyện Tam Nông sẽ sáp nhập xã Thanh Uyên và Hiền Quan; sáp nhập xã Quang Húc và Tề Lễ; sáp nhập xã Hương Nộn và thị trấn Hưng Hóa. Sau sắp xếp, huyện có 9 ĐVHC cấp xã (giảm 3).

Huyện Thanh Thủy sáp nhập 2 xã Đoan Hạ và Bảo Yên; sáp nhập xã Thạch Đồng và Xuân Lộc; sáp nhập xã Tân Phương và thị trấn Thanh Thủy. Như vậy, huyện Thanh Thủy sẽ có 8 ĐVHC cấp xã (giảm 3).

UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2024 sẽ hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2023-2025 báo cáo Chính phủ. Đồng thời sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị hình thành sau sắp xếp. 

Đến năm 2025, Phú Thọ chỉ đạo các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

Sẽ tiếp tục sắp xếp 6 huyện và trên 20 xã

Ngoài việc dự kiến phương án thực hiện sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã nêu trên, giai đoạn 2026-2030 tỉnh Phú Thọ dự kiến có 6 huyện và trên 20 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cấp ủy, chính quyền cấp huyện rà soát các phương án để lựa chọn, thống nhất phương án sắp xếp đảm bảo vừa thuận lợi, phù hợp về địa hình và đồng nhất về tập quán sản xuất, kinh doanh, tập quán văn hóa giữa các địa phương sắp xếp.