Lộ trình sáp nhập huyện, xã ở tỉnh Phú Thọ
(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo lộ trình, năm nay Phú Thọ sẽ có dự thảo phương án tổng thể sắp xếp, sáp nhập huyện, xã trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và báo cáo Bộ Nội vụ.
Năm 2024, căn cứ phương án được Bộ Nội vụ thẩm định, Phú Thọ xây dựng đề án cụ thể với từng huyện, xã thuộc diện sắp xếp và hoàn thành lấy ý kiến cử tri.
Đồng thời xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kiện toàn tổ chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp. Thu hồi con dấu cũ, tiến hành khắc con dấu mới của UBND cấp huyện, cấp xã hình thành mới.
Đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu sắp xếp, kiện toàn xong; đơn vị hành chính cấp huyện, xã mới chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.
Địa phương sẽ hoàn thành hướng dẫn việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của huyện, xã. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện sau sắp xếp.
Cũng trong năm 2025, sau khi sơ kết rút kinh nghiệm, Phú Thọ tiếp tục dự kiến các phương án sắp xếp huyện, xã trong giai đoạn 2026-2030 theo quy định của Trung ương.
Tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, việc sắp xếp, sáp nhập đối với huyện, xã không có yếu tố đặc thù, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo quy định.
UBND các huyện, thành, thị ở Phú Thọ căn cứ vào kế hoạch này và các văn bản hướng dẫn để chủ động chỉ đạo các xã, phường, thị trấn liên quan tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định.
Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2, dân số hơn 1,4 triệu người. Toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị (thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh) với 225 xã, phường, thị trấn.