1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phòng khám tư lấy trẻ em làm “chuột bạch”?

(Dân trí) - Kê đơn loại thuốc chống chỉ định cho trẻ em, bác sỹ phòng khám mắt tư nhân Ánh Dương (Đồng Hới - Quảng Bình) điềm nhiên cho rằng nhà sản xuất chống chỉ định là vì chưa thử nghiệm, còn phòng khám cho sử dụng vẫn… không sao.

Anh T.N.H (ở phường Nam Lý - TP Đồng Hới) cho biết: anh vừa đưa con (2 tuổi) đến phòng khám mắt tư nhân Ánh Dương (ở số 7 Võ Thị Sáu - TP Đồng Hới) để khám vì cháu bé có triệu chứng đỏ mắt.

 

Tại phòng khám, bác sỹ Trần Ánh Dương - chủ phòng khám (tên trên biển hiệu) đã kết luận cháu bé bị viêm kết mạc cấp do virus và kê đơn 2 loại thuốc gồm Eyedin 0,3% và Eyecool 10ml.


Phòng khám tư lấy trẻ em làm “chuột bạch”? - 1
Đơn thuốc, hướng dẫn sử dụng và lọ thuốc bị cấm chỉ định dùng cho trẻ em.
 
Theo hướng dẫn của bác sỹ Dương, anh H. mua 2 loại thuốc này tại phòng khám với giá 120.000 đồng và cháu bé con anh được các nhân viên phòng khám tra thuốc ngay.
 
Tuy nhiên, khi về nhà và đọc hướng dẫn sử dụng thuốc, anh H. hoảng hốt khi phát hiện trong hướng dẫn sử dụng thuốc Eyecool có ghi chống chỉ định “không dùng thuốc này cho trẻ em” vì độ an toàn của thuốc chưa được nghiên cứu cho đối tượng trẻ em.
 
Sau đó, anh H. đã gọi điện đến phòng khám Ánh Dương theo số máy ghi trong đơn thuốc song không được tiếp máy. Sau khi được một số bác sỹ công tác trong ngành y tư vấn, anh H. đã ngừng sử dụng thuốc này cho con. Hiện việc theo dõi phản ứng phụ của thuốc đối với cháu nhỏ gặp khó khăn vì cháu bé đang bị đau mắt đỏ.
 
Giải thích về việc kê đơn thuốc chống chỉ định cho trẻ, ông Dương điềm nhiên nói: “Nhà sản xuất khuyến cáo như vậy, nhưng nhà sản xuất là khác còn bác sỹ là khác. Nhà sản xuất chống chỉ định cho trẻ em là vì nhà sản xuất chưa thử nghiệm trên trẻ em. Thuốc Eyecool chúng tôi vẫn sử dụng cho trẻ em mà có sao đâu”.

 

Ngược lại, tất cả những người công tác trong ngành y tế mà chúng tôi tham khảo đều khẳng định: Mọi đơn thuốc đều phải tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, bởi hơn ai hết nhà sản xuất chịu trách nhiệm về loại thuốc do mình sản xuất và mọi thông tin hướng dẫn sử dụng đã được Cục quản lý dược (Bộ Y tế) chứng nhận khi cho phép thuốc lưu hành.
 
Một bác sỹ ngành mắt cho biết: “Nếu bác sỹ không biết về chống chỉ định của thuốc là lỗi về nghiệp vụ, còn biết mà vẫn kê đơn thì cần xem lại đạo đức bác sỹ. Nói gì thì nói, kê đơn thuốc chống chỉ định cho bệnh nhân rõ ràng là sai”.
 
Được biết, anh H. đang có ý định đưa vụ việc lên Sở Y tế Quảng Bình để làm rõ trách nhiệm của phòng khám mắt tư Ánh Dương.
 
Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm