Phó Thủ tướng: Hoàn thành cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vào năm 2019
(Dân trí) - Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Sài gòn – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - tuyến cao tốc “xương sống” cho sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, đơn vị liên quan phải tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2019.
Thị sát đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương tại một số nút giao trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu báo cáo tổng quan về Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ khu vực ĐBSCL và Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, triển khai từ năm 2015. Dự án dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý II năm 2017 và hoàn thành vào quý III năm 2020. Nguồn kinh phí hoàn vốn cho dự án sẽ từ hai nguồn: Thu phí đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương (khoảng 11 năm) và thu phí đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (khoảng 20 năm).
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III năm 2018 và hoàn thành vào quý III năm 2021. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách.
Tại cuộc làm việc, chủ đầu tư, nhà thầu đã kiến nghị nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công; kiến nghị điều chỉnh mức, thời hạn thu phí, kiến nghị các ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, do thời gian vay vốn dài (từ 11-20 năm), trong khi nguồn vốn huy động trong nước phần lớn là ngắn hạn (70%) nên các ngân hàng thương mại sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định cho vay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là trao tự chủ cho các ngân hàng thương mại trong việc quyết định cho vay đối với các dự án BOT.
Trước yêu cầu cấp bách của đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp để giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, sớm đưa toàn tuyến cao tốc Sài gòn – Cần Thơ vào khai thác.
Yêu cầu rút ngắn 2 năm tiến độ dự án
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, tuyến cao tốc TP. HCM đi Cà Mau, trong đó có đoạn cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, là tuyến giao thông “xương sống” của khu vực ĐBSCL, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả khu vực. Đồng thời, có vai trò kết nối giữa vùng ĐBSCL với khu vực phát triển năng động nhất của cả nước – vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu đối với Bộ GTVT, chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị liên quan, trong đó, tiến độ là yêu cầu đầu tiên.
“Phải làm nhanh bởi giao thông ở đây là điểm nghẽn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, tính mạng của người dân. Yêu cầu đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận rút ngắn tiến độ 1 năm, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ rút ngắn tiến độ 2 năm để đưa vào khai thác vào năm 2019”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với vấn đề tiến độ, một yêu cầu khác Phó Thủ tướng lưu ý là dự án phải đảm bảo chất lượng, thiết kế kỹ thuật và thi công công trình. “Chất lượng không đảm bảo thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc nhở việc tính toán để đảm bảo hiệu quả, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Với “đề bài” đặt ra, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư; sớm phê duyệt dự án khả thi, lựa chọn nhà đầu tư đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận. Chủ đầu tư phải chủ động huy động các nguồn lực (vốn, công nghệ, con người…) để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia đầu tư các công trình BOT đường cao tốc (nói chung), tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ nói riêng, tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại, báo cáo những vấn đề vướng mắc với Chính phủ để giải quyết.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, chủ đầu tư, nhà thầu để giải phóng nhanh mặt bằng, góp phần quan trọng giúp đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra với mỗi dự án.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030, mạng lưới đường bộ khu vực ĐBSCL gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm các tuyến N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), cao tốc TPHCM-Cần Thơ và tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, các trục Quốc lộ 50, 60. Trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 62, 30, 53, 91, 80 và tuyến Nam sông Hậu.
Riêng về hệ thống đường cao tốc hiện có 91km đoạn đang khai thác (TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, TPHCM-Trung Lương), 106km đang thi công xây dựng (Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận) và 24km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra còn một số đường cao tốc theo quy hoạch, bao gồm Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 200km, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu dài 225km và Cần Thơ - Cà Mau dài 150km.
P.T