1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

CTV

(Dân trí) - Nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, đã biết cách phát huy vai trò người uy tín.

Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 của  Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Trong những năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách trên địa bàn nhất là phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương. 

Vai trò quan trọng của người uy tín

Trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhiều người có uy tín là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Thống Nhất; đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Người uy tín trong cộng đồng luôn tiên phong trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được duy trì thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu, chú trọng công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số bài trừ những hủ tục lạc hậu, phản khoa học, mê tín dị đoan, gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới.

Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số - 1

Già làng Thổ Nơi tại lễ hội Sayang của người Chơro (Ảnh: Đình Hưng).

Theo báo cáo UBND huyện Thống Nhất, công tác xây dựng đội ngũ là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số huyện đã tổ chức bình xét 14 người có uy tín, già làng, cộng tác viên nòng cốt trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội ngũ này đã phát huy được vai trò nòng cốt là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc kịp thời phản ánh cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ tang theo phong tục truyền thống của dân tộc trên tinh thần lành mạnh, tiết kiệm; tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương và xây dựng khối đại đoàn kết.

Sức mạnh của người uy tín

Ở làng Chơro, xã Xuân Thiện có khoảng 200 hộ, Già làng Thổ Nơi là người được cả buôn làng gửi gắm niềm tin. Với tâm lý ngại tiếp xúc với các cơ quan chức năng nên khi có việc họ tìm đến già làng nhờ giúp đỡ, từ việc giúp đỡ gia đình làm giấy báo tử, cáo phó, lễ nghi ma chay cho bà con trong buôn làng, đến những việc làm giấy nhập học…

Già làng Thổ Nơi chia sẻ "Mỗi lần người làng tin tưởng tìm đến, trong khả năng mình không được phép từ chối mà giúp đỡ tận tình". Cho đến khi cấp ủy, chính quyền triển khai các chính sách thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động bà con tham gia chương trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vận động thanh niên làm đường nhập ngũ…

Già làng Thổ Nơi là người đứng ra tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con nắm được "nông dân vừa là chủ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa là người thu hưởng" từ đó nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân tộc Chơro.

Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số - 2

Lễ hội Sayang của người Chơro (Ảnh: Đình Hưng).

Ông Trịnh Đình Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thiện, cho biết, xã Xuân Thiện là xã đặc thù có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, tuy nhiên với sự nỗ lực cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng bà con nhân dân, nhất là sự hỗ trợ tận tình của Già làng và người uy tín trên địa bàn xã đã thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Qua sự đồng thuận, thông suốt và không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cộng đồng dân cư, ước tính tổng nguồn lực xây dựng nông thôn kiểu mẫu ở địa phương là trên 190 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 150 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất năm 2023 đạt 181 triệu đồng. Xã đã xây dựng được 2 khu dân cư kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 88 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt trên 95%. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã trong thời gian qua được giữ vững, ổn định.

Ông Lộc Văn Quang - người uy tín trong đồng bào dân tộc Nùng ở ấp Ngô Quyền xã Bàu Hàm 2 - là người luôn năng nổ vì cộng đồng. Ông nói vui rằng mình là người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" vì thương xuyên tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trong cộng đồng như hòa giải mâu thuẫn gia đình, khiếu kiện tranh chấp đất đai..., góp phần giữ bình yên trong khu xóm.

Ngoài ra ông cũng năng nổ trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện như vận động cộng đồng tham gia hiến máu nhân đạo, tham gia phân loại rác tại nguồn, trồng cây xanh tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch đẹp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động già làng người uy tín

Để tạo điều kiện cho Già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, huyện Thống Nhất  đã quan giúp đỡ người có uy tín có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo, thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách, thăm hỏi, động viên những dịp lễ, Tết, ốm đau...

Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số - 3

Già làng Thổ Nơi tại lễ hội Sayang của người Chơro (Ảnh: Đình Hưng).

Ngoài ra, huyện thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, cung cấp thông tin cho già làng, người có uy tín về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện…

Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác để nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hiện có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số 6.716 người, chiếm 4,05% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc sống rải rác, xen kẽ với người Kinh, tập trung nhiều ở xã Lộ 25, Xuân Thiện, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Thị trấn Dầu Giây.

Nguyễn Thắm