1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Hậu quả của bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bất bình đẳng giới ở dân tộc thiểu số là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo. Phụ nữ ít có cơ hội được đi học, được ra ngoài làm việc, bị tước mất cơ hội làm việc và phấn đấu.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các nhóm dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) không những bị tách biệt về không gian địa lý mà còn bị tách biệt về không gian xã hội. 

Chính sự tách biệt này đã và đang ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với những thay đổi không lường trước trong môi trường sống của họ.

Bất bình đẳng giới được biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ninh không phải là vấn đề nóng, phức tạp.

Nhận thức trong nhân dân vùng DTTS&MN đã được thay đổi, cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Mặc dù vậy, trong vùng vẫn còn một số hộ gia đình do trình độ nhận thức, cố hữu, do định kiến giới vẫn còn nặng nề.

Hậu quả của bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 1

Bất bình đẳng giới ở dân tộc thiểu số là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo (Ảnh: UN Women).

Cụ thể, bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo. Bởi, phụ nữ ít có cơ hội được đi học, được ra ngoài làm việc, bị tước mất cơ hội làm việc và phấn đấu.

Sự phân công lao động theo xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới đem lại sự bất lợi cho phụ nữ.

Cụ thể như, trong kinh tế và phân công lao động, nữ giới bất lợi hơn, yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định và hưởng thù lao; cơ hội để nữ giới tiếp cận những việc làm có thu nhập cao cũng thấp hơn so với nam giới; đồng thời là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực.

Trong mối quan hệ gia đình, đa số nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng. Đây chính là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững và tác động tiêu cực không chỉ đến phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS (nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương hơn cả) mà còn ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong xã hội.