1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát huy các "đặc sản" để du khách đến Bạc Liêu chịu chi mạnh tay

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Hiện du khách khi đến Bạc Liêu chi tiêu chưa được một triệu đồng; làm sao để khách chi 1,5-2 triệu đồng; cần phát huy các thế mạnh dịch vụ để thu hút như đờn ca tài tử", theo Phó Bí thư Bạc Liêu.

"Đô thị Bạc Liêu từng bước phát triển, các nơi đã nghe nói, ấn tượng về một thành phố du lịch thân thiện, nghĩa tình", ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại, diễn ra chiều 4/11.

Theo ông Việt, việc xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I là đặc biệt quan trọng nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đây là địa bàn tỉnh lỵ nên thành phố phát triển thì tỉnh mới phát triển.

12 tiêu chuẩn đô thị loại I chưa đạt

Phát huy các đặc sản để du khách đến Bạc Liêu chịu chi mạnh tay - 1

Một góc khu trung tâm TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, 3 năm qua từ khi thực hiện nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, trong số 63 tiêu chuẩn thành phần của đô thị loại I, TP Bạc Liêu cơ bản đạt 51 tiêu chuẩn, còn 12 tiêu chuẩn chưa đạt.

Một số tiêu chuẩn chưa đạt như: thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước; quy mô dân số toàn đô thị; mật độ đường giao thông đô thị,…

"Theo tiêu chuẩn, công trình xanh có 1-2 công trình đã được cấp giấy chứng nhận và có 2-4 cơ sở nhà tang lễ nhưng TP Bạc Liêu hiện chưa có công trình, cơ sở nào", theo báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến những tiêu chuẩn chưa đạt đã được lãnh đạo tỉnh, TP Bạc Liêu nhìn nhận như: thành phố phát triển trên nền đô thị cũ, thiếu đồng bộ; nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực không đảm bảo; một số công trình, dự án động lực chưa được triển khai; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện quy hoạch, xây dựng, đô thị còn hạn chế;…

Ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, kiến nghị các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ thành phố thực hiện 12 tiêu chuẩn chưa đạt. "Hiện còn vướng quy hoạch nên nhiều công trình dự án không thể triển khai được trên địa bàn thành phố", ông Hải cho hay.

Nêu ý kiến thời gian tới, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu TP Bạc Liêu phối hợp các ngành chức năng liên quan chủ động làm quy hoạch phủ 100% các xã, phường; ưu tiên vốn trung hạn 2025-2030 dành cho những công trình quan trọng, các tiêu chuẩn chưa đạt;...

Trước mắt ông đề nghị việc nào không cần nguồn vốn thì làm trước như lập lại trật tự xây dựng, đô thị văn minh, văn hóa công sở, đường phố,... Những chỗ nào còn nhếch nhác, thành phố phải làm quy hoạch để kêu gọi đầu tư tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

"Bản thân cán bộ ở xã, phường và thành phố phải quyết liệt quyết tâm hơn nữa mới thực hiện tốt đô thị loại I, còn cứ tình tang thì sở, ngành nào mà hỗ trợ tiếp được?", ông Thiều lưu ý.

Cần phát huy các thế mạnh của địa phương

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Huỳnh Quốc Việt đánh giá, qua 3 năm thực hiện nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, TP Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Phát huy các đặc sản để du khách đến Bạc Liêu chịu chi mạnh tay - 2

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: C.Đ).

Ông Việt cũng nhìn nhận, TP Bạc Liêu còn nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa quyết liệt nên kết quả dù đã phấn đấu nhưng vẫn còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt.

"Như quy mô dân số đâu phải ngày một ngày hai là tăng, hoặc tỷ lệ đất giao thông, công trình công cộng muốn tăng lên cũng phải có nguồn lực đầu tư rất lớn", ông Việt nêu rõ và cho rằng TP Bạc Liêu vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của địa phương, nhất là du lịch còn đơn điệu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu quán triệt, việc xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I là đặc biệt quan trọng nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm chủ thể, làm sao để người dân hiểu, đồng thuận.

Ông yêu cầu TP Bạc Liêu tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; rà soát làm sớm các dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ; có giải pháp chống ngập hiệu quả; chủ động kêu gọi đầu tư vào quỹ đất có giá trị; tập trung phát triển thương mại dịch vụ, du lịch… 

"Hiện khách du lịch đến Bạc Liêu chi tiêu chưa được một triệu đồng vì không có gì ở lại; du lịch là nguồn thu lớn, cố gắng làm sao để du khách khi đến chi 1,5-2 triệu đồng; cần phát huy các thế mạnh dịch vụ như đờn ca tài tử, ẩm thực, sinh thái gắn sông nước, nông nghiệp công nghệ cao,… với nhiều mô hình hấp dẫn để thu hút du khách", theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Năm 2010, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) chính thức được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính của thị xã Bạc Liêu.

Hiện TP Bạc Liêu (đô thị loại II) có diện tích tự nhiên hơn 17.500ha và dân số trên 159.000 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường và 3 xã.

Địa giới hành chính TP Bạc Liêu có phía Đông giáp thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), phía Tây giáp huyện Hòa Bình, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp huyện Vĩnh Lợi

Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó dự kiến đến năm 2030, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) là đô thị loại I.