1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát hiện vật thể lạ nghi là mảnh vỡ của máy bay mất tích

(Dân trí) - 18h30, lực lượng tìm kiếm của Việt Nam vừa phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ của tàu bay Malaysia bị mất tích, cách đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam.

Vị trí tọa độ tiếp cận vật lạ nghi là mảnh vỡ máy bay (Ảnh: Quang Phong)
Vị trí tọa độ tiếp cận vật lạ nghi là mảnh vỡ máy bay (Ảnh: Quang Phong)


Nguồn: VTV
 
18h30, lực lượng tìm kiếm của Việt Nam vừa phát hiện vật thể nghi là mảnh vỡ của tàu bay cách đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam, tại vị trí tọa độ 08 độ 47''32' N - 103 độ 22''26'. Máy bay phát hiện vật thể lạ là thủy phi cơ mang số hiệu HDC 6 của Quân đội Việt Nam.
 
Tin báo về Sở Chỉ huy cho biết lực lượng tìm kiếm đã chụp được ảnh vật thể này, tuy nhiên do trời tối nên ảnh mờ. Căn cứ vào vị trí tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, Sở Chỉ huy nghi khả năng cao đó là mảnh ốp trong của máy bay Malaysia Airlines. Hiện máy bay đang trên đường trở về đảo Phú Quốc. Sáng sớm mai, máy bay sẽ quay trở lại nơi phát hiện vật thể này để xác minh rõ ràng hơn.
 
Vật thể lạ trên biển được cho là mảnh vỡ của máy bay (Ảnh chụp từ máy bay cứu hộ)
Vật thể lạ trên biển được cho là mảnh vỡ của máy bay (Ảnh chụp từ máy bay cứu hộ)

Sở Chỉ huy đã điện báo khẩn đến Cục Hàng hải để phối hợp phương án tìm kiếm, yêu cầu Cục này cử tàu SAR ra vị trí tọa độ nói trên để tiếp cận vật thể được cho là mảnh vỡ máy bay.  

Việt Nam đã phát thông báo tới Malaysia và Singapore. Công tác tìm kiếm cứu nạn của 6 nước đang tiến hành khẩn trương và tích cực. Số lượng máy bay của các nước tham gia rất đông nhưng Sở Chỉ huy đã điều hành hoạt động an toàn tuyệt đối. Ngay từ khi phát lệnh tìm kiếm cứu nạn, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương tại ACC Hồ Chí Minh. Đến nay, đã qua 2 ngày tìm kiếm cứu nạn, hiệu quả hoạt động được đánh giá là tích cực. Từ khi phát lệnh tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích, 6 nước gồm Việt Nam, Malaysia, Philippine, Singapore, Mỹ, Trung Quốc đã huy động tổng cộng 22 máy bay các loại và 40 tàu biển tham gia.

 
17h45, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu, công tác tìm kiếm cứu nạn liên tục 24/24, không được phép dừng. Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung vào vùng khả nghi trên biển, nhưng vẫn mở rộng vùng tìm kiếm, không bỏ sót vị trí nào cả.
"Hiện đang có 6 nước tham gia tìm kiếm, cần phối hợp tốt giữa các nước. Không được phép nghĩ các nạn nhân không còn khả năng sống sót. Cần mở rộng ra hướng phía Tây theo dự kiến hướng bay của máy bay, nỗ lực hết sức cho giai đoạn 1 và chuẩn bị cho giai đoạn 2 " - Phó Thủ tướng lưu ý.
Hình ảnh khu vực biển có vệt nghi vết dầu loang chụp từ trực thăng 02, 04 (Huỳnh Hải).
Hình ảnh khu vực biển có vệt nghi vết dầu loang chụp từ trực thăng 02, 04 (Huỳnh Hải).


Giai đoạn 2, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc để chuẩn bị thực hiện các phương án., thực hiện theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Do vấn đề khủng bố chưa được loại trừ nên Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nâng mức cảnh báo an ninh. Bộ trưởng Đinh La Thăng triển khai phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo tốt nhất an ninh hàng không của Việt Nam.
 
Phó Thủ tướng nhận định, khu vực xác định nghi vấn là vùng biển cạn, mực nước chỉ 20-40m, khả năng nhìn thấy máy bay rơi xuống biển là rất cao nhưng máy bay đã quần thảo nhiều lượt 2 ngày qua mà vẫn chưa phát hiện ra thì phải mở rộng tìm kiếm.
 
17h40, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, đã có thông tin máy bay của Malaysia có thể đã đi vào đất liền. Vì thế, ông Thanh đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tăng cấp độ tìm kiếm.
 
17h32', đại diện Bộ Ngoại giao thông tin, hôm qua (8/3), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia. Phía Malaysia đánh giá cao nỗ lực tìm kiếm và hợp tác tìm kiếm của Việt Nam, gửi lời cảm ơn. Hôm nay Bộ Ngoại giao cũng nhận điện đàm của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam. Trung Quốc xác nhận chức thức có 150 công dân trên máy bay mất tích.

Chiều nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhận được công hàm chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc về việc xin cho tàu hải quân của nước này đang trên đường đến khu vực tìm kiếm.
17h30,
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn về công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
 
17h30, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng, nếu phát hiện tàu bay gặp nạn trong vùng FIR của Việt Nam thì Việt Nam sẽ phải nhận trách nhiệm điều tra và triển khai các phương án liên quan.

Việc chuẩn bị các phương án cho giai đoạn 2 cũng được ông Thanh nêu lên với việc ưu tiên các thân nhân nhận diện nạn nhân thông qua Bộ Công an, Y tế, Ngoại giao.

Khi đó, việc tham gia điều tra sẽ có các thành phần theo quy định của ICAO, gồm đại diện các quốc gia sau đây: quốc gia đăng ký máy bay (Malaysia), quốc gia người khai thác tàu bay (Malaysia), quốc gia thiết kế (Hoa Kỳ), quốc gia chế tạo tàu bay (Hoa Kỳ), quốc gia thiết kế và chế tạo động cơ (Anh). Các quốc gia khác có quyền tham gia vào công tác điều tra với một số hạn chế là quốc gia có nhiều nạn nhân (Trung Quốc, Đài Loan).
 
17h21, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải phân công phối hợp tốt giữa các lực lượng vì vùng biển tìm kiếm rất rộng, mọi tình huống đều có thể xảy ra.
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu khẳng định, hoạt động của lực lượng tìm kiếm trên không, trên biển đang phối hợp rất tốt. Công tác tìm kiếm máy bay được phân rất nhiều tầng với từng loại máy bay đi tìm kiếm, vì thế công tác tìm kiếm cứu nạn cũng rất thận trọng để tránh xảy ra tai nạn trong quá trình tìm kiếm. Điều đó cũng cho thấy việc xác định phạm vi và dự đoán mọi khả năng để không bỏ sót điều gì.
Máy bay của trung đoàn 917 trở về Cà Mau chiều nay.
Máy bay của trung đoàn 917 trở về Cà Mau chiều nay.
 
17h14, tại Bộ Quốc phòng, Trung tướng Võ Văn Tuấn -Phó Trưởng Tham mưu trưởng QĐND VN báo cáo, thông tin về vật thể lạ phát hiện phía lực lượng không quân đã nắm được. Tàu biển có vận tốc nhanh nhất khu vực đã được điều đi, khoảng 18h30 chiều tối nay sẽ tiếp cận được vật thể lạ. Các máy bay trực thăng cũng đã được điều đi và phân tầng bay ưu tiên cho trực thăng đi tìm kiếm.
 
17h20, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì , thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu đề xuất các phương án trong khả năng tìm kiếm khi phát hiện mát bay mất tích trong FIR của Việt Nam.
 
Theo báo cáo, ngày 8/3, máy bay tìm kiếm của Việt Nam phát hiện vết dầu loang, suốt đêm hôm qua và ngày hôm nay tìm kiếm tại khu vực có vết dầu loang nhưng không phát hiện được gì. Vết dầu loang đã kéo dài 80km. Các lực lượng tìm kiếm mở rộng phạm vi cả về phía FIR Việt Nam và FIR Malaysia. Đến khoảng 14h40 chiều nay thì máy bay Singapore phát hiện có vật thể lạ.
 
Trên cơ sở vệt dầu và vật thể lạ, phía Việt Nam và Singapore đều đặt nghi vấn khả năng máy bay có thể mất tích tại vị trí này tại tọa độ đã xác định.
 
17h5, trao đổi với phóng viên ngay tại sân bay Cà Mau, ông Trần Văn Quang cho biết thêm, hiện hai chiếc trực thăng 02 và 04 của Trung đoàn 917 trở về đậu tại sân bay Cà Mau, tiếp nhiên liệu, kiểm tra lại các kỹ thuật an toàn và sẵn sàng chờ lệnh để tiếp tục làm công tác tìm kiếm cứu nạn.
 
Ông Quang thông tin cụ thể thêm, lần tiếp cận vùng biển nghi máy bay của Malaysia mất tích, trực thăng của Trung đoàn không nhận được tin máy bay của Singapore phát hiện vật thể lạ như tin báo về Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn. Trực thăng 02, 04 phát hiện một vật thể khác, sau xác định là mảnh phao cũ và ván cũ.


Clip ông Trần Văn Quang trao đổi với phóng viên về quá trình tìm kiếm máy bay mất tích chiều ngày 9/3. (Thực hiện: Huỳnh Hải)
 
Kiểm tra lại máy bay chờ tiếp tục lên đường.
Kiểm tra lại máy bay chờ tiếp tục lên đường.
 
16h55, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới phòng họp của UB tìm kiếm cứu nạn quốc gia và yêu cầu bắt đầu làm việc ngay, sớm 5 phút so với thời gian dự kiến ban đầu vì tình hình khẩn cấp. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng về việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích trong suốt 2 ngày qua. Tiếp đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ báo cáo nhanh tình hình cấp bách hiện nay và đề xuất hướng giải quyết.
 
Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Phạm Qúy Tiêu báo cáo Phó Thủ tướng sự việc từ khi mất tín hiệu với máy bay Malaysia trước thời điểm bàn giao kiểm soát.

Về giai đoạn hồ nghi, tình huống kéo dài từ 17h22 GMT cho đến khi dự kiến hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc). Do có sự thông báo từ nhiều đầu mối thông tin nên sau mới xác định được giờ cụ thể. Việt Nam đã lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam và ứng trực 24/24.

Theo Thứ trưởng Tiêu, ngày 8/3 là ngày cao điểm về công tác tìm kiếm cứu nạn tàu bay bị mất tích. Mọi lực lượng trên không, trên biển, trên bộ đều được điều động.
 
Ngày 8/3, phát hiện vết dầu loang, suốt đêm hôm qua và ngày hôm nay tìm kiếm tại khu vực có vết dầu loang nhưng không phát hiện được gì. Vết dầu loang đã kéo dài 80km. Các lực lượng tìm kiếm mở rộng phạm vi cả về phía FIR Việt Nam và FIR Malaysia.
 
16h35, Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, thuộc sư đoàn không quân 370 cho biết, sau gần 4 giờ tìm kiếm, đến giờ vẫn không phát hiện tung tích máy bay. Cũng theo ông Quang, các lực lượng có thấy vật thể lạ trôi trên biển nhưng sau khi xem xét kỹ đã xác định đó chỉ là một miếng phao cũ và miếng ván. Còn màu nước nghi là vết dầu loang thì sau khi xem xét kỹ cũng không phải.
 
Tuy nhiên, xác minh lại từ Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, Thứ trưởng GTVT Phạm Quy Tiêu cho biết, đến thời điểm này, Sở Chỉ huy chưa tiếp nhận thông tin này, sẽ tiếp tục yêu cầu kiểm chứng.
Bản đồ cập nhật diễn biến vụ máy bay mất tích tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không.
Bản đồ cập nhật diễn biến vụ máy bay mất tích tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không.
 
16h30, Sở chỉ huy rốt ráo chuẩn bị báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình tìm kiếm máy bay mất tích với những diễn biến mới nhất. Được biết, 17h chiều nay, cuộc họp với Phó Thủ tướng sẽ bắt đầu tại trụ sở Bộ Quốc phòng.
 
16h10, trực thăng số hiệu 02 quay lại sân bay Cà Mau.
 
Clip Cục phó Cục Hàng không Đinh Việt Thắng trao đổi về việc phát hiện vật thể lạ nghi là từ máy bay mất tích (Châu Như Quỳnh).
 
16h, trao đổi với PV Dân trí tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, ông Đinh Việt Thắng - Cục phó Cục Hàng không, Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết, việc phát hiện vật thể trên biển nghi của máy bay mất tích là diễn biến mới trong công tác tìm kiếm.

Ông Thắng cho hay, hiện trực thăng và tàu cảnh sát biển của Việt Nam, Malaysia đang trên đường đi xác minh vật thể nghi vấn này. Sớm nhất là 19h tối nay, trực thăng và tàu cảnh sát biển của Việt Nam sẽ tiếp cận được vật thể. Khoảng 19h30 thì tàu của Malaysia sẽ tới nơi.
 
15h30, một số tàu bay và tàu biển từ hiện trường tìm kiếm báo cáo quay về căn cứ tiền phương tại Phú Quốc để nạp nhiên liệu. Các phương tiện sẽ tiếp tục lên đường ngay sau đó.

15h, ngay sau khi tiếp nhận thông tin mới về vật thể nghi là của máy bay Malaysia  mất tích hôm qua trong vùng FIR của Việt Nam, không khí làm việc khẩn trương và tập trung cao độ được tổ chức trên toàn bộ lực lượng tìm kiếm huy động của cả nước. Việc cấp báo liên tục được phát đi tới các bộ phận ứng trực và điều động.

Vị trí phát hiện đồ dùng lạ cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía Nam Tây Nam.
Vị trí phát hiện đồ dùng lạ cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía Nam Tây Nam.
 
14h40, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận tin báo khẩn, phát hiện có dấu hiệu khả nghi về máy bay Maylaysia mất tích 08 độ 21''36' E - 103 độ 13''30N. Cụ thể, lực lượng tìm kiếm thấy có đồ dùng khả nghi trôi trên biển tại vị trí cách đảo Thổ Chu 100km về phía Nam Tây Nam. Tin báo về Sở Chỉ huy đến từ tàu bay tham gia tìm kiếm của Singapore.
 
Sở đã lập tức điều gấp trực thăng Mi-171 và tàu biển đến tọa độ này để kiểm tra cụ thể. 
Phát hiện vật khả nghi là từ máy bay mất tích gần đảo Thổ Chu
Lãnh đạo Sở Chỉ huy gọi điện báo cáo UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn về vệc phát hiện đồ dùng lạ trên biển nghi của máy bay mất tích.

 
14h35, các thành vên Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nêu ý kiến, ngoài Sở chỉ huy đầu não tại Hà Nội, sẽ đề xuất thiết lập thêm Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nữa tại TPHCM và Sở chỉ huy hiện trường tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ngành hàng hải cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch của mình.
 
14h30, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhấn mạnh đến vấn đề tìm hộp đen máy bay và ghi âm buồng lái. Tuy nhiên, khả năng này Việt Nam khó thực hiện nên sẽ phải nhờ Mỹ can thiệp. Việc trục vớt máy bay, phân tích hộp đen và giải mã ghi âm buồng lái Việt Nam làm được và sẽ chủ trì việc kết luận với sự tham gia của các chuyên gia hàng không.
 
Theo "kịch bản", UBND địa phương và UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ thu thập chứng cứ, mảnh vỡ (nếu có). Bộ Công an, Y tế, Ngoại giao sẽ tham gia xử lý các vấn đề liên quan đến con người/hành khách như cấp cứu, giám định ADN, thủ tục ngoại giao... 
Khu vực phát hiện vật thể khả nghi có tọa độ nằm trong vùng biển của Việt Nam.
Khu vực phát hiện vật thể khả nghi có tọa độ nằm trong vùng biển của Việt Nam (Phần bên trong đường kẻ xanh, gạch chéo trên bản đồ thể hiện vùng biển Việt Nam).
 
14h5, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không xác định, việc tìm kiếm máy bay mất tích, nếu thấy trong vùng FIR của Việt Nam thì Việt Nam sẽ phải chủ trì trong công tác điều tra, kể cả điều tra về người và phương tiện, công việc này sẽ phải lên kế hoạch để báo cáo Phó Thủ tướng.

Trong đó, Sở chỉ huy kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm toàn bộ những gì còn sót lại của máy bay để đưa về căn cứ tiền phương là huyện đảo Phú Quốc của Việt Nam. Dự kiến khi đó sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh như ăn - ở đối với khoảng 800 thân nhân các nạn nhân và quan chức cần giao cho địa phương bố trí. Vấn đề tiếp theo là công tác điều tra tai nạn, công tác này do Ủy ban Quốc gia về điều tra tai nạn thực hiện, sẽ phải điều tra đối với người/nạn nhân, máy bay...
 
Dự kiến ủy ban điều tra quốc gia do Bộ GTVT có vai trò làm chủ tịch và các thành viên là cơ quan chức năng, ngành chức năng có liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ mời thêm các đơn vị khai thác (Malaysia), thiết kế và chế tạo máy bay (Mỹ), nước có nhiều người trên chuyến bay nhất như Trung Quốc... tham gia ủy ban điều tra.
Khẳng định dầu loang, thêm trực thăng, thủy phi cơ Việt Nam hướng ra biển
Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không hội ý khẩn về những vấn đề cấp bách liên quan đến việc tìm kiếm.
 
14h, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng tổ chức hội ý khẩn cấp về vụ việc, quyết định tiếp tục điều máy bay ra vị trí phát hiện vệt dầu để xem xét. Được biết, đội bay được huy động có cả một chiếc thủy phi cơ sẽ xuất phát từ Tân Sơn Nhất, bay ra vùng biển máy bay Malaysia mất tích.
 
Chiều nay, UB tìm kiếm cứu nạn quốc gia cũng họp khẩn tại Bộ Quốc phòng, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
 
13h 50’, thông tin báo về Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, vào lúc 11h trưa, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông tin của Tổ bay VN261 – Vietnam Airlines đang thực hiện chuyến bay đi qua địa phận xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lộc Lâm đồng thì bắt được 1 tín hiệu SOS vào lúc 10h03 sáng nay tại tọa độ 11 độ 39’ 20’’N, 107 độ 41’12’’ E trên khu vực rừng quốc gia Cát Tiên.
 
Ngay khi nhận được thông tin, tổ bay đã thông báo cho cơ quan chức năng để báo cho các phương tiện khác đi qua khu vực tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết đây không phải là tín hiệu của chiếc máy bay bị mất tích.

13h35, thông tin mới nhất từ Trung tâm phối hơp tìm kiếm cứu nạn cho biết, máy bay C130 của Singapo đã bay rà quan sát vết dầu loang nghi vấn nhưng thấy vết dầu này không có gì đặc biệt. Tại khu vực xuất hiện vết dầu loang, có cả thuyền cá ngư dân.

13h30, máy bay C150 của Singapore báo về cho biết đã xác định vết nước khác màu phát hiện được trên biển đúng là dầu loang nhưng không có gì đặc biệt. Quan sát xung quanh khu vực này thấy có nhiều tàu cá hoạt động.

Nhà chức trách cũng khẳng định, các thông tin nghi vấn xung quanh vụ máy bay mất tích đều nhận qua báo chí quốc tế còn phía Việt Nam, chưa nhận được thông tin chính thức từ Malaysia.

Ngoài ra, về việc điều hành tàu bay trước mất tích của phía Malaysia, Việt Nam chưa nhận được thông tin về tình trạng máy bay cũng như trạng thái họat động của máy bay này.

12h10,  hai chiếc trực thăng của không quân Việt Nam tại sân bay Cà Mau đã cất cánh tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay của Malaysia mất tích.
 
Đoàn công tác chuẩn bị lên đường.
Đoàn công tác chuẩn bị lên đường (ảnh: Huỳnh Hải).

Theo ghi nhận của PV Dân trí, sau hơn 18 giờ đậu ở sân bay Cà Mau (trực thăng từ Cần Thơ đáp xuống sân bay Cà Mau lúc 16h30 chiều hôm qua 8/3), đúng 12h10 trưa nay, hai chiếc trực thăng Mig 171 mang số hiệu 02 và 04 của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 đã cất cánh lên đường tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ tham gia tìm kiếm tại khu vực phát hiện nghi vết dầu loang cách mũi Cà Mau khoảng 250km, phía Tây Nam. Tham gia đoàn có nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 917 và đội y tế. Ngoài ra, còn có phóng viên một số cơ quan báo chí cũng đi theo để ghi nhận thông tin.

Trực thăng không quân cất cánh tại sân bay Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trực thăng không quân cất cánh tại sân bay Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Được biết, đoàn sẽ mất khoảng một giờ để bay ra vùng nghi máy bay mất tích, sau đó bay tìm kiếm trong hơn 1 giờ đồng hồ nữa rồi trở lại sân bay Cà Mau tiếp nhiên liệu và tiếp tục công tác tìm kiếm.

Trong một diễn biến khác, tính đến hơn 12h trưa nay 9/3, đại diện lãnh đạo Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển vùng 4, Nhà giàn DK1- 10 (Cà Mau) cho biết, vẫn chưa có tung tích của chiếc máy bay gặp nạn.

Các đơn vị này đã điều nhiều tàu đến vùng biển nghi có máy bay gặp nạn tại gần khu vực đảo Thổ Chu (Kiên Giang) tìm kiếm nhưng chưa thấy có gì bất thường. Các tàu này cũng chưa tiếp cận được khu vực vết dầu loang.  

Trong khi đó, một số tàu của Hải quân Vùng 5 cũng đã sẵn sàng chờ lệnh đi làm nhiệm vụ cứu nạn khi xác định được vị trí máy bay gặp nạn. Được biết, trên tất cả các tàu này được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, lương thực thực phẩm để làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.
Thêm 2 trực thăng không quân bay đến khu vực 2 vết nghi dầu loang
Vị trí lực lượng Việt Nam phát hiện khoảng nước khác màu nghi vệt dầu loang trên biển được khoanh tròn, đỏ trên bản đồ (ảnh: QDND).

Còn đại diện chỉ huy Nhà giàn DK1-10 (Cà Mau) cũng cho biết, khi nhận được thông tin, phía nhà giàn đã lên kế hoạch khẩn để phối hợp công tác tìm kiếm. Tuy nhiên, sau gần 2 ngày quan sát trên biển, đến nay vẫn chưa phát hiện dấu hiệu gì khả nghi.

Hiện công tác tìm kiếm vẫn đang được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện. 

12h5, tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, chưa có thông tin mới về chiếc máy bay của Malaysia mất tích từ các lực lượng tiếp cận hiện trường.
 
11h30, cuộc họp tại Cục Hàng không kết thúc. Thứ trưởng Phạm Qúy Tiêu yêu cầu tất cả các đơn vị, lượng lượng luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, trực 24/24. Trong ngày hôm nay Bộ GTVT sẽ có đoàn bay vào phía Nam trực tiếp tham chỉ đạo công tác tìm kiếm cùng Bộ Quốc phòng.

11h15, ông Tuấn tiếp tục đưa ra các dự đoán đối với máy bay mất tích. Phân tích các trường hợp bị cháy, ông Tuấn cho rằng, vệc phát hỏa trong buồng lái rất khó, núi lửa cũng không. Khói trong buồng lái, nhưng tổ lái hoàn toàn có thời gian làm việc đó.

"Thực tế, chiếc máy bay mất tích của Malaysia cùng lúc mất tất cả liên lạc, mất cả tín hiệu radar. Rất khó mất liên lạc với loại máy bay Boeing 777, trừ trường hợp cố tình tắt hệ thống liên lạc, bởi vừa mất liên lạc vừa mất tín hiệu radar dưới mặt đất, chỉ là cố tình làm như vậy hoặc có người can thiệp vào không cho tổ lái làm việc này. Còn nếu cứ hạ thấp xuống thì radar vẫn nhận dạng được" - ông Tuấn nói.

11h, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban An toàn chất lượng an ninh của Vietnam Airlines, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm lái Boeing 777 cho rằng, mỗi khi có sự cố hàng không xảy ra, người ta hay nghĩ đến yếu tố thời tiết, con người.

“Về vấn đề thời tiết, Boeing 777 được chế tạo bay trong thời tiết rất phức tạp như giông bão vẫn đảm bảo, gặp bão vẫn có "bài" bay. Kiểm tra thông báo thời tiết trên thết giới khu vực này lúc đó rất tốt nên có thể bỏ qua yếu tố này. Về kỹ thuật, trường hợp bị hở luồng kín thì khi máy bay xuống 10 feet sẽ mất khoảng 5 phút để xử lý vấn đề. Tất cả các bài tập đã huấn luyện cho phi công, còn hơn 4 phút để liên lạc và phát tín hiệu cấp báo nhưng ở đây không có liên lạc gì nên cần phải xem xét. Trường hợp bị chết cùng lúc 2 động cơ thì với điều kiện thời tiết như vậy máy bay vẫn lướt được 20 phút với tốc độ 200 dặm/h, khoảng thời gian 20 phút này cũng đầy đủ thời gian cho tổ lái liên lạc” - ông Tuấn phân tích.
 
Cuộc họp khẩn tại Cục Hàng không Việt Nam sáng 9/3.
Cuộc họp khẩn tại Cục Hàng không Việt Nam sáng 9/3.

10h, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp khẩn tại Cục Hàng không Việt Nam xung quanh vụ máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia mất tích.

Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn đã thông báo các lực lượng chuẩn bị, nếu có thông tin máy bay gặp nạn sẽ lập ban chỉ đạo và chuẩn bị sẵn sân bay dự phòng để máy bay các nước có thể đáp xuống khi cần thiết. Nơi đặt sân bay dự phòng có thể tại Phú Quốc hoặc Cà Mau.

Ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cho biết, 2 vệt nghi là dầu loang đã trải dài trên phạm vi 80km theo dòng nước về phía Tây Nam. Việt Nam sẽ phối hợp với Singapore để tránh trùng lấn vùng bay. Nếu điều kiện thời tiết tốt sẽ cho bay tầm thấp.

“Hiện chưa có kết luận về chất nghi vấn phát hiện hôm qua là dầu loang trên biển mà chỉ được gọi là vùng nước khác màu” - ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, tàu bay A56 đã cất cánh, Indonesia, Singgapore đã vào khu vực, dự kiến Mỹ cử TC3, bay dọc khu vực để trinh sát, Trung Quốc đự kiến 2 máy bay. Tàu bay đầu tiên của Việt Nam tiếp tục bay giống hôm qua, mở rộng khu vực đi lên phía Nam đảo Thổ Chu.
 
Có 6 nước cùng tham gia tìm kiếm ở khu vực này. Lực lượng chức năng đã thiết lập 1 trung tâm riêng để điều hành các máy bay tìm kiếm trong khu vực Việt Nam. Cục Hàng không đã yêu cầu kiểm tra chặt chẽ khâu chuẩn bị máy bay, an toàn bay và các cảng hàng không siết chặt vấn đề an ninh.
 
9h30, Việt Nam đang mở rộng khu vực tìm kiếm mới phía đông nam đảo Thổ Chu, trùng với khu vực Malaysia đăng ký bay vào. Hiện 2 máy bay Malaysia số hiệu CL 141 và BE 200 đã được đồng ý cho bay vào. Ngoài ra còn có 1 máy bay C130 của Singapore, 1 máy bay của Mỹ số hiệu P3. Việt Nam có 3 máy bay và 1 trực thăng MI171, 1 máy bay đã về tiếp nhiên liệu. 

8h, 5 tàu của Việt Nam tiếp cận được khu vực máy bay mất tích và tích cực tìm kiếm (trong đó có 2 tàu hải quân, 2 tàu cảnh sát biển và 1 tàu chỉ huy). Cùng đó, 2 chiếc máy bay AN26 cất cánh sáng sớm nay cũng tiếp tục quần thảo tại khu vực máy bay mất tích. Được biết, diện tích khu vực tìm kiếm đã được mở rộng khoảng hơn 100km2.

Các lực lượng cứu hộ được yêu cầu mở rộng phạm vi tìm kiếm rộng ra đảo Thổ Chu về phía nam. Lực lượng cứu hộ của Philippine cũng đã điều một máy bay và 1 tàu cứu hộ đến hiện trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.

7h sáng, Malaysia đã có 6 máy bay và 6 tàu; Trung Quốc điều 2 máy bay và 14 tàu; Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu; Philippine có 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay cùng tham gia tìm kiếm trên khu vực rộng.
 
Tiếp tục cập nhật…

Châu Như Quỳnh - Huỳnh Hải