1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Vụ máy bay mất tích: Máy bay bị đột nhập, vô hiệu hóa mọi tín hiệu?

(Dân trí) - Chỉ cần có kiến thức sơ bộ về kỹ thuật là kẻ đột nhập buồng lái có thể tự tay ngắt hết các thiết bị liên lạc. Nhưng ngay cả trong trường hợp có kẻ đột nhập thì việc tổ lái không có bất cứ phản ứng gì là điều hết sức ngạc nhiên.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2492/May-bay-Malaysia-cho-239-nguoi-mat-tich.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Máy bay Malaysia chở 239 người mất tích</b></a>

Máy bay Malaysia Airlines mất tích là tâm điểm chú ý của cả thế giới gần 1 tuần qua. Đi sâu phân tích vấn đề kỹ thuật và các vấn đề chuyên môn càng cho thấy vụ việc bí ẩn với tính chất nghiêm trọng chưa từng có trong tiền lệ lịch sử hàng không thế giới.

Đầu tiên phải nói tới thời tiết trong ngày chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích được ghi nhận là rất tốt, kể cả khi máy bay cất cánh từ Kuala Lumpur và trên hành trình đi vào vùng giáp ranh với không phận Việt Nam rồi đột ngột mất toàn bộ liên lạc và tín hiệu trên màn hình radar. Đã 6 ngày trôi qua, việc tìm kiếm cũng diễn ra trong điều kiện thời tiết của toàn khu vực Đông Nam Á rất thuận lợi. Bởi vậy, yếu tố thời tiết ảnh hưởng đã hoàn toàn bị loại bỏ.

Gần 1 tuần trôi qua, đã có rất nhiều phát hiện nghi là của máy bay mất tích nhưng rồi lại được xác nhận là không đúng. Mới đây nhất là việc nhà điều tra Mỹ cho rằng dựa vào dữ liệu động cơ, máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có thể đã bay tiếp khoảng 4 tiếng sau khi biến mất khỏi màn hình radar ở trên biển Đông. Sự phát hiện này dù sau đó đã bị nhà chức trách Malaysia bác bỏ nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thì điều đó không phải là không có cơ sở tin cậy.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam - cho biết, bằng việc gắn thiết bị theo dõi động cơ máy bay, nhà chế tạo Boeing luôn có sự theo dõi và giám sát chặt chẽ để kiểm tra thường xuyên về sự an toàn hay kịp thời đưa ra những cảnh báo kỹ thuật có thể xảy ra.

“Máy bay do Boeing chế tạo nên từng thiết bị của máy bay hoạt động như thế nào họ hiểu hơn ai hết, máy bay dừng đỗ hay đi đến đâu họ đều biết, sự tiềm ẩn về một nguy cơ kỹ thuật dù là rất nhỏ họ cũng nắm được. Bằng chứng là Cục Hàng không Việt Nam đã từng rất bất ngờ khi nhận được thông báo của nhà chế tạo Boeing từ Mỹ nói về tình trạng “sức khỏe” của một chiếc Boeing 777-200 cách đây khá lâu. Vấn đề kỹ thuật khi đó rất nhỏ được Boeing thông báo đối với chiếc máy bay vào thời điểm chuẩn bị cất cánh, chúng tôi đã yêu cầu dừng bay khẩn cấp để kiểm tra và đúng là có những dấu hiệu mà nhà chế tạo đã nói với chúng tôi” - ông Thắng cho hay.

Máy bay Malaysia Airlines mất tích đầy bí ẩn
Máy bay Malaysia Airlines mất tích đầy bí ẩn

Cùng chung quan điểm về việc gắn thiết bị theo dõi động cở của nhà chế tạo Boeing, ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, người có nhiều năm lái máy bay Boeing777-200, ghi nhận: Các số liệu được tự động tải và gửi cho mặt đất từ các động cơ của chiếc Boeing 777. Nhờ thiết bị này, trung tâm dữ liệu của Boeing biết được máy bay bay bao nhiêu giờ, khi nào tắt động cơ.

Ông Trung cho rằng, nếu Boeing có dữ liệu là máy bay vận hành 5 giờ kể từ khi cất cánh thì khả năng MH370 còn bay khoảng 4 giờ nữa sau thời điểm biến khỏi màn hình radar không lưu là hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề là cần xác định máy bay bay đi đâu, khi nào dừng lại. Theo thông tin này thì việc quân đội Malaysia từng xác nhận bắt được tín hiệu MH370 tại khu vực gần eo biển Malacca là có khả năng.

Lý giải về vấn đề kỹ thuật này, ông Trung khẳng định máy bay khi cất cánh sẽ được theo dõi bởi 2 hệ thống radar, là radar thứ cấp của hệ thống đài kiểm soát không lưu và radar sơ cấp do quân sự kiểm soát. Một chuyến bay thương mại sẽ được đặt mã radar để các đài không lưu mặt đất theo dõi, kiểm soát. Khi các thiết bị liên lạc bị ngắt, đài không lưu sẽ không bắt được tín hiệu, không kiểm soát được hoạt động của máy bay nhưng khi máy bay còn trên không trung thì radar sơ cấp quân sự vẫn bắt được tín hiệu của máy bay nếu hệ thống này có hoạt động vào thời điểm MH370 đang bay trên trời.

Trên thực tế, sau vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, với yêu cầu an ninh nghiêm ngặt để chống việc cướp máy bay nên tất cả cửa buồng lái máy bay đều được gia cố đặc biệt. Theo đó, chỉ khi phi công bấm nút từ phía trong buồng lái thì cửa mới mở ra. Tiếp viên trưởng muốn vào phục vụ trong buồng lái bắt buộc phải liên lạc trước qua hệ thống điện thoại trên máy bay và đọc đúng mật mã đã thống nhất trước đó thì cabin mới xác thực, thậm chí nếu gõ cửa buồng lái thì người gõ cũng phải gõ đúng với tín hiệu đã thỏa thuận.

Đặt tình huống là máy bay bị khống chế, theo ông Trung thì chỉ cần có kiến thức sơ bộ về kỹ thuật là kẻ đột nhập buồng lái có thể tự tay ngắt hết các thiết bị liên lạc vì thao tác này không phức tạp. Nhưng ngay cả trong trường hợp có kẻ đột nhập, việc tổ lái không có bất cứ phản ứng gì, không thốt lên một tiếng nào là hết sức ngạc nhiên.

“Khi đã khống chế được máy bay, kẻ đột nhập hoàn toàn có thể để chế độ lái tự động tiếp tục bay theo hành trình định sẵn hoặc điều khiển máy bay theo hướng khác mà không bị radar hàng không phát hiện, máy bay có thể bay cho đến khi hết nhiên liệu mới dừng lại hoặc rơi xuống. Kẻ đột nhập hoàn toàn có thể bay theo hành trình mong muốn mà không cần radar dẫn đường.” - ông Trung cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Qúy Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chuyên trách về lĩnh vực hàng không - khẳng định rằng cho đến thời điểm này không thấy dấu vết bình thường của một vụ tai nạn máy bay trên biển. Nếu máy bay rơi xuống biển thì phải có mảnh vỡ, phải có áo phao nổi lên hoặc một số đồ dùng nhất định bung ra từ máy bay; kể cả máy bay có đâm cắm đầu xuống đáy biển thì các thiết bị đo chấn động cũng sẽ ghi nhận được ít nhiều. Còn với giả thiết máy bay bị nổ trên không thì với một chiếc Boeing khổng lồ chắc chắn đó sẽ là một “quả cầu lửa” vô cùng lớn, khi đó càng nhiều dấu hiệu phải được phát hiện, những mảnh vỡ sẽ rơi vương vãi trong phạm vi máy bay nổ.

“Đây là vụ việc bí ẩn với tính chất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong tiền lệ lịch sử hàng không thế giới. Yếu tố thời tiết bị loại bỏ, nhiều vấn đề kỹ thuật cũng không liên quan. Nếu trên máy bay lúc đó có sự can thiệp từ yếu tố con người làm vô hiệu hóa mọi tín hiệu, máy bay không được dẫn đường, không được định vị, không có liên lạc với không lưu, không nằm trong vòng kiểm soát… chỉ cần còn nhiên liệu thì máy bay vẫn có thể hoạt động, đặc biệt là với người lái được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản thì máy bay có thể di chuyển theo ý của họ.” - Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhìn nhận.

Thế giới đã từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn máy bay do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng với mỗi vụ việc đều có những dấu vết và khả năng điều tra rõ ràng. Còn với chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines thì sự bí ẩn và lạ lùng của nó đến nay vẫn chưa thể lý giải được.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm