1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sai phạm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc:

Phát hiện nhiều đoàn đi công tác nước ngoài không đúng quy định

(Dân trí) - Qua thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm không đúng quy định, có dấu hiệu không bình thường.

Cụ thể, cơ quan thanh tra phát hiện có tới 32 đoàn đi nước ngoài không có báo cáo kết quả chuyến đi theo quy định, 20 đoàn đi không có kế hoạch được duyệt và quyết định cho 21 người đi nước ngoài chưa đúng thành phần.

Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo kết luận thanh tra, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chưa ban hành quy chế quản lý nghiên cứu khoa học, chưa thành lập hội đồng, chưa xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ và chưa phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ của Ban quản lý theo quy định; chưa xây dựng kế hoạch và đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; các đề tài triển khai thực hiện chưa có các thủ tục theo quy định. Việc triển khai ứng dụng chưa hiệu quả, một số đề tài chưa được ứng dụng vào thực tế.

“Phê duyệt chi phí quản lý dự án chưa đúng quy định, không yêu cầu nhà thầu bảo hành công trình theo quy định. Sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để duy tu bảo dưỡng một số công trình khi chưa hết thời hạn bảo hành; công tác bảo vệ chưa đảm bảo theo hợp đồng, còn để xảy ra mất tài sản nhưng chưa quy trách nhiệm, chưa yêu cầu bồi thường theo quy định. Tổng số tiền vi phạm trên 4,66 tỷ đồng”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chưa chú trọng đến nhiệm vụ quản lý và khai thác quỹ đất; chưa ban hành và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về khung và mức giá, lệ phí tại khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật; chưa ban hành được mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất cho từng dự án trong khu công nghệ cao.

“Chưa thỏa thuận với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (FPT và Vinaconex) trong việc định giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các loại phí, lệ phí dịch vụ theo quy định của pháp luật. Hạ tầng kỹ thuật chung của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chưa hoàn chỉnh đồng bộ nên ảnh hưởng không  nhỏ đối với các nhà đầu tư trong việc đấu nối hạ tầng và triển khai xây dựng. Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc FPT là đơn vị thuộc Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT là sai đối tượng, không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Cơ quan thanh tra cho rằng, Công ty TNHH phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc FPT và Công ty Vinaconex là “doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghệ cao” chưa nghiêm túc thực hiện các công việc theo quy định, đặc biệt là chưa xây dựng được phương án giá hạ tầng, chưa thỏa thuận mức giá hạ tầng cụ thể; chưa triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật (san nền, đường giao thông, điện nước,…). Những công trình hạ tầng kỹ thuật này thuộc trách nhiệm của “doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghệ cao” phải đầu tư xây dựng trước khi cho thuê lại đất nhưng đã để xảy ra tình trạng chậm thực hiện, gây khó khăn cho các nhà đầu tư đến thuê đất.

Thanh tra Chính phủ khẳng định những thiếu sót, vi phạm của Ban Quản lý dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, tiến độ của dự án; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, gây thiệt hại, lãng phí về tài chính của nhà nước, nguồn lực, thời gian và cơ hội của các nhà đầu tư.

Sau 15 năm, diện tích đất giao cho các nhà đầu tư thuê đất để đầu tư sản xuất kinh doanh chỉ đạt 10,5% diện tích quy hoạch; 74 dự án được cấp phép hoạt động thì có 6 dự án bị thu hồi giấy phép và 25 dự án không triển khai hoặc triển khai chậm so với quy định.

Kết luận thanh tra còn cho biết chưa thống nhất áp dụng hỗ trợ đầu tư đối với các “doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghệ cao” khi hoàn trả Công ty Vinaconex số tiền trên 39,38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp dụng sai mã hiệu định mức về phương tiện vận chuyển đất; áp dụng hệ số thi công bằng máy và thủ công; áp dụng sai mã hiệu định mức về vật liệu, điều kiện kỹ thuật thi công cốp pha cọc, dầm cầu…. làm phát sinh không đúng khối lượng và giá trị thanh toán các gói thầu trên với tổng số tiền hơn 910 triệu đồng.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 1998 với kỳ vọng “là thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia”, “là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả cả nước với vai trò là cấu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới”…

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ này theo quy định của pháp luật.

Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030. Theo đó, phạm vi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích 1.586 ha ở địa bàn các xã thuộc TP Hà Nội: Phú Cát (huyện Quốc Oai),Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hoà, Bình Yên, Đồng Trúc (huyện Thạch Thất). Dân số, lao động Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2013 khoảng 12.400 người, và dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Mục tiêu quy hoạch là xây dựng Khu Công nghệ cao phù hợp với chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ phát triển Hòa Lạc nhanh và bền vững Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ việc điều chỉnh quy hoạch chung không làm thay đổi ranh giới, quy mô, tính chất và cơ cấu phân khu chức năng chính của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được phê duyệt. 

Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất, Thủ tướng yêu cầu cần điều chỉnh lại cơ cấu và quy mô sử dụng đất tại một số khu chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn; không xây dựng sân golf trong khu công nghệ cao.  

Thế Kha