Pháo đài Đồng Đăng: Tượng đài bi hùng bảo vệ biên giới năm 1979
(Dân trí) - Pháo đài Đồng Đăng là điểm cao trọng yếu bao quát thị trấn vùng biên của tỉnh Lạng Sơn. 40 năm trước - mùa Xuân năm 1979, tại đây đã diễn ra trận chiến vô cùng khốc liệt, quân và dân ta chiến đấu anh dũng để bảo vệ pháo đài và hàng trăm người dân trú ẩn bên trong.
Pháo đài là một công trình quân sự vô cùng kiên cố, có lô cốt nhìn ra bốn hướng và hệ thống đường hầm chìm trong lòng núi.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta, nơi đây là một cứ điểm đã tiêu diệt nhiều kẻ địch và là nơi trú ẩn của hàng trăm người dân thị trấn Đồng Đăng.
Quanh lô cốt có rất nhiều tảng bê tông lớn vẫn nằm cheo leo trên vách núi. Khi cuộc chiến nổ ra, một đại đội được phân công chốt tại đây cùng Công an vũ trang để ngăn chặn quân xâm lược và bảo vệ người dân Đồng Đăng.
Thời điểm đánh chiếm thị trấn Đồng Đăng ngày 17/2/1979, quân địch bao vây pháo đài, đại đội 42 thuộc trung đoàn 4, sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng) và Công an vũ trang chốt cố thủ và bảo vệ hàng trăm người dân đang trú ẩn bên trong. Trong ảnh là dấu tích những tảng bê tổng lớn của pháo đài bị địch gài thuốc nổ phá vỡ.
Lỗ châu mai nhìn từ bên trong lô cốt bê tông. Trong những ngày quân địch vây hãm, bộ đội ta trong các lô cốt dùng AK và B41 bắn ra, xác quân địch ngổn ngang trên đường dẫn lên pháo đài.
Mất 5 ngày đêm vẫn chưa chiếm được pháo đài, ngày 22/2/1979, quân địch đặt bộc phá nổ sập cửa hầm. Những tảng bê tông lớn còn đến ngày nay là dấu tích sau vụ nổ bộc phá.
Sau khi đặt thuốc nổ phá hầm, quân địch còn dùng súng phun lửa và hơi cay xịt xuống các ngách nhằm giết hại cán bộ, chiến sỹ và dân thường đang cố thủ trong lô cốt.
Tầm nhìn từ đỉnh pháo đài Đồng Đăng xuống thị trấn bình yên ngày nay. Mãi đến sau năm 2000, pháo đài mới được khai quật, hơn 30 bộ hài cốt được tìm thấy ở tầng hầm đầu tiên. Tầng thứ 3 là nơi ước tính còn hàng trăm xác người nằm lại, đến nay vẫn chưa ai tiếp cận được.
Quý Đoàn