1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phân tích các sự cố vắc xin AstraZeneca, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm

Thái Anh

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo, phân tích về những phản ứng nghiêm trọng khi tiêm vắc xin AstraZeneca ở một số nước, nhận định chưa tìm ra sự liên quan của các sự cố. Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin.

Đây là một vấn đề được đặt ra tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 12/3/2021.

Phân tích các sự cố vắc xin AstraZeneca, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm - 1
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 họp chiều 12/3/2021 (ảnh: VGP).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện 11/13 tỉnh, thành phố phát sinh ca bệnh trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3 đã có trên 23 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trong 5 ngày gần đây, Hải Dương ghi nhận rải rác 1-2 ca/ngày, đều được cách ly trước đó.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại các đơn vị làm xét nghiệm và có báo cáo về các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra nước ngoài lại dương tính, điển hình như trường hợp nữ công nhân ở Hải Dương được phát hiện mắc Covid-19 khi nhập cảnh Nhật Bản hồi cuối tháng 1 hay 2 trường hợp ở Hải Phòng nhập cảnh vào Australia ít ngày trước.

11 trường hợp phản ứng vắc xin đã khỏe sau 1 ngày

Tại cuộc họp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến 17h ngày 12/3, các điểm tiêm phòng vắc xin AstraZeneca đang triển khai theo kế hoạch. 12 điểm tiêm được bố trí tại 10 tỉnh thành để tiêm cho 1.702 người, trong đó Hải Dương 293 người, Hà Nội 163 người, TPHCM 474 người, Gia Lai 200 người, Long An 30 người, Bắc Ninh 108 người, Bắc Giang 187 người, Hải Phòng 61 người, Hưng Yên 69 người và Đà Nẵng 117 người.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong số gần 1.600 người được tiêm có 410 người phản ứng thông thường (chiếm 26%); 11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ 2-3 như nổi mề đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản) (chiếm 0,7%). Điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM có 6 trường hợp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng có 4 trường hợp, Bệnh viện dã chiến Gia Lai có 1 trường hợp… Tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm này đều có sức khỏe ổn định trong vòng 1 ngày.

Phân tích các sự cố vắc xin AstraZeneca, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm - 2

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo về tình hình triển khai tiêm chủng vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam.

Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp.

Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, các điểm tiêm chủng đều có trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh quy trình, người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm, sau đó lên phòng bệnh theo dõi tiếp trong 24 giờ và sau khi về nhà thì tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Về thông tin xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở một số nước châu Âu, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích của đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học.

Nhận định chung, chưa tìm ra sự liên quan giữa những sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Từng bước chuẩn bị cho chính sách "visa vắc xin"

Phân tích các sự cố vắc xin AstraZeneca, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm - 3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện có hai nguồn vắc xin AstraZeneca nhập khẩu về Việt Nam. Thứ nhất là nguồn hỗ trợ của COVAX Facility do WHO lập ra để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả. Nguồn vắc xin này được chuyển cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nguồn thứ hai là vắc xin nhập khẩu theo thỏa thuận ký kết giữa Bộ Y tế, Công ty AstraZeneca và Hệ thống tiêm chủng VNVC. VNVC sẽ chuyển giao vắc xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.

Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (sản xuất vắc xin Sputnik V) để có thể tiếp cận tất cả các nguồn cung ứng vắc xin nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng tại Việt Nam.

Bộ Y tế đồng thời khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21 mới ban hành của Chính phủ.

Nguyên tắc công bằng trong tiếp cận vắc xin, tuân thủ sự điều phối, triển khai tiêm của Bộ Y tế được Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khẳng định.

Về vấn đề "hộ chiếu vắc xin", Thường trực Ban Chỉ đạo nghe và phân tích cơ chế áp dụng của một số nước. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã có những bước chuẩn bị ban đầu.

Trước mắt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng lớn sẽ tăng cường xây dựng và cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4/2021.

Tuy nhiên, chính sách cụ thể liên quan đến "visa vắc xin", Thường trực Ban chỉ đạo cho rằng, phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vắc xin và ở từng nước để có cơ chế phù hợp.