1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế lên tiếng về việc một số nước tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca

Nam Phương

(Dân trí) - Liên quan đến phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại một số nước châu Âu, Bộ Y tế cho biết chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp này với vắc xin.

Mới đây, một số nước châu Âu đã quyết định tạm dừng vắc xin AstraZeneca sau khi ghi nhận một số trường hợp phản ứng nghiêm trọng. 

Về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR), các chuyên gia, nhà khoa học, các thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và các quốc gia. Qua đó cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vắc xin AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. 

Chương trình TCMR quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. 

Bộ Y tế lên tiếng về việc một số nước tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca - 1

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cũng nhấn mạnh: "Người dân không nên hoang mang trước thông tin tạm dừng các lô vắc xin". 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo khi có những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng mà chưa tìm rõ nguyên nhân, cần thời gian xem xét thì người ta có thể tạm dừng lô vắc xin đó. 

"Việc tạm dừng này là để đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng, có phải do chất lượng vắc xin và thực hành tiêm chủng hay không. Nếu sau khi được xem xét, lô vắc xin này không liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm chủng thì lại tiếp tục sử dụng lô vắc xin này", PGS Hồng nói. 

Theo thứ trưởng Thuấn, việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy. 

Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo. 

Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết. 

Qua 4 ngày triển khai từ 8-11/3, trong số 1.585 mũi tiêm đã thực hiện tại 13 cơ sở của 9 tỉnh/TP, các tuyến đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết các trường hợp này là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… và 5 trường hợp phản vệ độ 2 (2 trường hợp đã hồi phục và ra viện, 3 trường hợp đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi), 2 trường hợp tiêu chảy và 1 trường hợp kẹt huyết áp. 

Kết quả cho thấy, các cơ sở tiêm chủng đều thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc, chỉ định, chống chỉ định và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Việc xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng. Thông tin về kết quả triển khai và tình hình phản ứng sau tiêm chủng được cập nhật và báo cáo hàng ngày.

Như vậy công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 được thực hiện nghiêm túc tại tất cả các điểm tiêm chủng. 

Theo Cơ quan Quản lý Dược châu Âu (EMA), việc Đan Mạch tạm ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca là biện pháp an toàn tạm thời trong quá trình điều tra đầy đủ về các biến cố thuyên tắc huyết khối được tiến hành, trong đó có một trường hợp tử vong tại Đan Mạch.

Một số quốc gia thành viên EU khác cũng đã tạm dừng tiêm chủng vắc xin này.

Theo EMA, hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm phòng đã gây ra những tình trạng này. Những biến cố này hiện chưa được liệt kê vào phần tác dụng ngoài ý trong Thông tin kê toa của vắc xin này.

Theo quan điểm hiện tại của Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác Dược (PRAC), lợi ích của vắc xin tiếp tục vượt trội so với nguy cơ và vắc xin có thể tiếp tục được sử dụng trong khi Cơ quan này đang tiến hành điều tra các trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối.

PRAC đã xem xét tất cả các trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối và các tình trạng khác liên quan đến huyết khối được báo cáo sau khi tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Số lượng các trường hợp thuyên tắc huyết khối ở người được tiêm chủng không cao hơn số lượng được ghi nhận trong dân số nói chung.

Tính đến ngày 10/3/2021, đã có 30 trường hợp gặp các biến cố thuyên tắc huyết khối đã được báo cáo trong số gần 5 triệu người được tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong khu vực Kinh tế chung Châu Âu (EEA).