1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Báo động về bạo lực học đường:

Phải thay đổi cách giáo dục, nhất là với nữ sinh

(Dân trí) - Việc học sinh đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng cái không bình thường ở đây là nữ học sinh đánh nhau và thái độ vô cảm của học sinh ngồi xem, hành vi này rất đáng phải lên án.

Đó là ý kiến trao đổi của ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội (một ngôi trường nổi tiếng về  “cảm hóa” giáo dục học sinh hư) trước những video nữ sinh đánh đập, xé áo bạn rất phản giáo dục mà Dân trí đã nêu.
 
Phải thay đổi cách giáo dục, nhất là với nữ sinh - 1
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Thái độ vô cảm của học sinh cần phải lên án

Là người có kinh nghiệm nhiều năm giáo dục học sinh hư, lại là nhà tâm lý giáo dục, khi xem hình ảnh clip nữ sinh đánh nhau ông cảm thấy thế nào?

Tôi rất buồn khi xem clip này. Việc học sinh ở độ tuổi THCS, THPT đánh nhau là chuyện bình thường vì tâm sinh lý các em đang phát triển. Nhưng cái không bình thường ở đây là nữ học sinh đánh bạn và thái độ vô cảm của học sinh ngồi xem. Chúng ta cần lên án những hành vi này.

Trong điều kiện hiện nay, xã hội phát triển, điều kiện sống và học tập tốt hơn, tại sao học sinh lại đánh nhau nhiều như vậy, ông có thể lý giải nguyên nhân?

Do cách giáo dục trong gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội của mình chưa thực sự chu đáo dẫn đến nhận thức các em chưa đầy đủ. Giáo dục chưa đến nơi đến chốn thì tất yếu xảy ra như thế.

Theo tôi, xã hội phải tiếp tục lên án những hành động này và thay đổi cách giáo dục học sinh, nhất là đối với nữ sinh cần giáo dục nữ tính nhiều hơn nữa.

Hành vi đánh nhau của các em là thiếu tôn trọng nhau, chỉ cần nhìn đểu, mâu thuẫn, không bằng lòng là đánh nhau. Vậy nên, phải dạy các em hiểu cách tôn trọng nhau, dạy các em lòng vị tha. Ngay ở trường tôi, học sinh có nhiều cá tính như vậy nên công tác giáo dục của chúng tôi làm rất chu đáo. Chúng tôi đưa chương trình giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng ứng xử… một cách thường xuyên vào chương trình giảng dạy.

Trong trường hợp học sinh trường ông đánh nhau thì ông xử lý thế nào?

Nếu học sinh trường tôi đánh nhau thì việc đầu tiên là chúng tôi giảng hòa trước, vì nếu không can thiệp thì các em sẽ tiếp tục đánh nhau. Sau đó, chúng tôi mới giáo dục để các em hiểu rõ trách nhiệm của mình và có sự thăm hỏi động viên cả 2 bên. Bên cạnh đó, người bị đánh cũng cần có lòng vị tha, chứ không cứ cay cú thì sẽ không thể xử lý được.

Theo ông, những vụ việc học sinh đánh nhau như thế này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?

Gia đình và nhà trường. Nhà trường cần có chương trình giáo dục tốt hơn nữa và gia đình cần có trách nhiệm quan tâm hơn tới các em. Qua sự việc này, tôi thấy các gia đình nên lấy đó làm bài học lớn để giáo dục con cái. Những vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho các em ở trường chỉ giảm được một phần nào đó thôi chứ các em cần phải có giáo dục kỹ năng sống từ bé, chứ lớn lên rồi khó giáo dục vì đã thành bản tính.

Tôi thấy hiện nay tỷ lệ học sinh gia đình li tán rất nhiều. Ở trường tôi, có lớp đến 20% các em rơi vào hoàn cảnh như vậy. Các em không được ai chăm sóc và chịu nhiều áp lực trong cuộc sống nên dẫn đến tình trạng như hiện nay. 

Để học sinh được an toàn đến trường thì cả gia đình và nhà trường phải coi trọng việc giáo dục nhân cách học sinh bằng nhiều hình thức giúp các em tháo gỡ và ngăn chặn những hành vi này.

Ở các nước trên thế giới, đánh nhau ở nơi công cộng bị xử lý rất nặng. Khi học sinh đánh nhau chúng ta chưa có hình thức kỷ luật nghiêm, mới chỉ cảnh cáo.

Mặt khác, trách nhiệm về xã hội ở đây rất lớn, các em học sinh không có sân chơi, không có nơi vui chơi sau những giờ học căng thẳng, bị bó hẹp nên dễ có những  hành vi manh động.

Xin cảm ông!

Hồng Hạnh