Đoàn Thanh niên không chấp nhận bạo lực học đường
(Dân trí) - Hiện nay trên cả nước số lượng đoàn viên trong các trường học là gần 2,8 triệu. Tuy nhiên làm thế nào để phát huy vai trò của Đoàn thanh niên tham gia giải quyết những vấn đề có liên quan đến “bạo lực học đường”.
Để làm rõ vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Mai - Ủy viên thường vụ, Phó trưởng ban thường trực - Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam.
Thưa ông, gần đây vấn đề bạo lực học đường được nhắc đến nhiều. Vậy ông nghĩ gì về hiện tượng này? Đoàn thanh niên có trách nhiệm gì hay không?
Phó trưởng ban thường trực - Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn Vũ Thanh Mai. |
Đảng và nhà nước luôn rất quan tâm đến việc giáo dục đào tạo cho thế hệ trẻ. Song song vói việc đào tạo chuyên môn, công tác giáo dục đạo đức lối sống của học sinh cũng được đưa vào trong nhà trường bằng nhiều hình thúc ngày càng phong phú và đa dạng. Mục tiêu của chúng ta là phát triển các em một cách toàn diện.
Trong thời gian qua hiện tượng BLHĐ đã xảy ra ở một vài nơi. Có thể nói để BLHĐ xảy ra thì nơi đó tổ chức Đoàn, Hội chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Qua theo dõi khi sự việc xảy ra, thì ở đó tổ chức Đoàn cùng Ban giám hiệu nhà trường đã có những biện pháp kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho tái diễn trở lại.
Hiện nay ở các trường THCS, THPT đều có các cơ sở của Đoàn thanh niên. Tuy nhiên gần như trong câu chuyện BLHĐ chúng ta chưa thấy sự xuất hiện của tổ chức này. Theo ông nguyên nhân là do đâu? Cái khó của Đoàn thanh niên khi tham gia giải quyết bài toán BLHĐ?
Ông Vũ Thanh Mai: Nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của Đoàn đó là giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong thời gian qua Tổ chức Đoàn thanh niên các cấp rất chủ động kết hợp với chính quyền, các cơ sở đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng do điều kiện nhiều nơi còn có những khó khăn nhất định. Ví dụ như điều kiện vui chơi, giải trí của các em, cơ sở vật chất còn hạn chế. Chưa có sự điều kiện tổ chức nhiều các hoạt động bổ trợ kỹ năng cho các em. Đặc biệt, trong những buổi sinh hoạt ở lớp, ở trường, nhiều đơn vị chưa thực sự sáng tạo tổ chức để thu hút các bạn học sinh, dưới góc độ chia sẻ lẫn nhau, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ.
Tăng cường xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với lứa tuổi sẽ góp phần làm giảm thiểu bạo lực học đường.
Để làm tốt vấn đề này chúng tôi mong rằng cần có sự chung tay của gia đình học sinh và nhà trường và toàn xã hội. Đặc biệt cần có nhiều hơn các chương trình hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi các em. Bên cạnh đó các cơ quan báo chí, truyền thông khi đưa tin về BLHĐ cũng cần nhìn nhận dưới góc độ học đường và cùng góp phần định hướng giáo dục cho hoc sinh để hạn chế tôi đa BLHĐ. Đôi khi chúng ta mới chỉ nêu hiện tượng chứ chưa có nhiều sáng kiến đề xuất kết hợp cùng với ngành giáo dục cũng như với Đoàn thanh niên đưa ra định hướng giải quyết vấn đề. Khi có sự kết hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội thì mới giải quyết được bài toán BLHĐ.
Vậy thời gian tới Đoàn thành niên sẽ có kế hoạch như thế nào để góp sức đẩy lui vấn đề BLHĐ trong trường học?
Ông Vũ Thanh Mai: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rất vinh dự và tự hào được Ban Bí thư TW Đảng đồng ý chọn năm 2011 là Năm thanh niên. Thông điệp của Năm thanh niên là “Xây dựng một môi trường lành mạnh cho tuổi trẻ”. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình cũng như sự tin cậy của các cấp uỷ Đảng, chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo… đặc biệt là các đồng chí cán bộ, Đoàn, Hội, đoàn viên thanh niên phải tu dưỡng rèn luyện thực sự là tấm gương sáng để các bạn học sinh, thanh niên noi theo.
Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tham mưu chỉ đạo tăng cường xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với từng điều kiện của địa phương… tổ chức các hoạt động rộng rãi, sâu rộng các hoạt động kỹ năng giúp các bạn học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện tốt hợn , hạn chế không để xảy ra các sự việc như BLHĐ trong thời gian qua.
Chúng tôi cũng rất hi vọng thông qua các hoạt động do Đoàn Hội tổ chức các bạn học sinh sẽ xây dựng cho mình thái độ học tập, rèn luyện xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, quyết tâm thực hiện tháng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Ông Ngô Văn Thọ - giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang: Cần có chế tài nghiêm khắc!
Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành. Hiện nay một số địa phương cứ cho rằng học sinh chưa đến tuổi vị thành niên thì nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu anh vi phạm pháp luật thì cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn như ở Bắc Giang, Sở GD-ĐT đã đồng thời kết hợp với Công an và Đoàn thanh niên triển khai quyết liệt. Những đối tượng vi phạm không thuộc phạm vi nhà trường quản lý thì công an sẽ trực tiếp quản thúc, còn đối tượng là học sinh thì tùy mức độ vi phạm sẽ đưa ra phương hướng giải quyết khác nhau. Những học sinh tham gia đánh nhau đều được bàn giao cho công an. Sau khi có kết luận tư phía cơ quan công an thì tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định của ngành giáo dục. |
Nguyễn Hùng (thực hiện)