Phải "rất khẩn trương" sáp nhập 35 huyện và hơn 1.000 xã
(Dân trí) - Cho biết tiến độ sáp nhập huyện, xã tại một số địa phương đang chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị đốc thúc việc này, nếu không sẽ ảnh hưởng tổ chức bộ máy nhiệm kỳ mới.
Sáp nhập huyện, xã; cải cách tiền lương và đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập… là những vấn đề lớn được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề cập khi cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Sẵn sàng cử người hỗ trợ sáp nhập huyện, xã
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật có tham gia, là năm 2024 là năm tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến có 35 huyện và hơn 1.000 xã của 40-50 tỉnh thành thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
"Việc này Bộ Chính trị đã có nghị quyết và kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ cũng có nghị quyết và kế hoạch triển khai toàn quốc. Nhưng hiện nay một số địa phương đang chậm tiến độ", ông Định nhấn mạnh phải đẩy mạnh đôn đốc, giám sát việc này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan đầu mối nên ông Định nhấn mạnh Ủy ban này sẵn sàng tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan, sẵn sàng cử người về hỗ trợ về mặt thủ tục để thực hiện nhanh việc sáp nhập huyện, xã.
"Làm sao trong quý III làm thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để quý IV bắt đầu đi vào thực hiện mới kịp sắp xếp tổ chức bộ máy, vì quý I/2025 đã bắt đầu Đại hội Đảng bộ cấp xã, quý II là cấp huyện rồi. Nếu không sắp xếp xong sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhiệm kỳ tới nên phải rất khẩn trương", ông Định nhấn mạnh.
Liên quan việc giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết các cơ chế chính sách với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhiều văn bản hiện nay đang chậm.
Ví dụ, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước; danh mục sự nghiệp công lập cơ bản thiết yếu trong ngành, lĩnh vực; khung giá với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực…
Nhấn mạnh còn nhiều vấn đề trong lĩnh vực này, ông Định cho rằng doanh nghiệp đã đổi mới nhiều, bộ máy hành chính cũng đổi mới nhiều, nhưng đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều văn bản chưa ban hành kịp tiến độ nên cần đốc thúc thêm nhiệm vụ này.
Cải cách tiền lương phải đi kèm xử lý công chức trì trệ
Đề cập đến chính sách cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024 là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương.
"Thực chất, tiền lương đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách. Đây không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập, mà theo Nghị quyết 27 còn là cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức", theo lời ông Định.
Ông nhấn mạnh hai việc này phải đi liền với nhau, điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ công chức.
Do đó, đi kèm với cải cách tiền lương, phải tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, rà soát những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh…
"Với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy", ông Định nhấn mạnh.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cũng cho rằng thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình cần đảm bảo thu nhập phù hợp cho cán bộ cơ sở giữa các ngành lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm.
Việc này, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, nhằm cải cách tiền lương cán bộ cơ sở, thu nhập từ tiền lương mới phù hợp với nhiệm vụ cán bộ được giao, tránh công việc, nhiệm vụ như nhau nhưng thu nhập có nơi cao nơi thấp.