Ông Vũ Mão chia sẻ tình trạng công chức “ùn ùn” xuất ngoại
(Dân trí) - Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra con số phản ánh tình trạng công chức “ùn ùn” xuất ngoại, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề này.
Thời kỳ tôi còn làm việc, qua nắm tình hình, tôi biết có khoảng hơn 1.000 đoàn đi công tác nước ngoài mỗi năm. Như thế đã là rất nhiều rồi, mới nghe ai cũng thấy “khiếp”. Với trách nhiệm giám sát của Uỷ ban Đối ngoại, chúng tôi đã mời các cơ quan hữu quan của Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể đến để trao đổi. Chúng tôi đã phân tích và có cách nhìn khách quan về việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài.
Trước phải khẳng định việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài có nhiều mặt tích cực như triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là muốn làm bạn với tất cả các nước. Chúng ta đã thực hiện khá tốt, giúp cho Việt Nam hội nhập sâu trong các hoạt động đa phương và song phương. Việc này làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết và đồng tình, ủng hộ các chủ trương của ta trong việc xây dựng và phát triển đất nước “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, qua đó “kéo” họ đến với Việt Nam, thu hút họ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, qua các chuyến thăm, đã học hỏi bạn được nhiều điều bổ ích để vận dụng vào công việc của ngành mình, địa phương mình. Câu nói của ông cha ta “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật là có ý nghĩa. Làm được như thế thì “đồng tiền bát gạo” bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng.
Bên cạnh đó, các chuyến thăm cũng còn những tồn tại như tuy đã có sự chỉ đạo trong việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài nhưng còn lỏng lẻo. Có ba đầu mối chỉ đạo về công việc này của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhưng phân công và phối hợp chưa chặt chẽ. Việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài của các địa phương, của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước) chưa có đầy đủ văn bản quy định của cấp có thẩm quyền nên trong hoạt động thực tiễn còn nhiều bất cập. Tình trạng nhiều đoàn đến thăm một nước, một địa phương hoặc một thành phố của bạn đều tìm hiểu những vấn đề giống nhau là khá phổ biến. Đoàn sau thường đặt các câu hỏi tương tự như Đoàn trước. Chính các bạn nước ngoài cũng phàn nàn về điều đó.
Ngoài ra, hiệu quả các chuyến đi chưa cao. Nhiều đoàn đi nghiên cứu về đều thấy kinh nghiệm của các nước về các lĩnh vực như quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng; về quản lý nhà nước; về xây dựng chính quyền địa phương; về giáo dục… Nhưng điều đáng tiếc là không ai đứng ra tổng kết những vấn đề đó và đề xuất một cách đầy đủ đến nơi đến chốn với cấp có thẩm quyền. Vì thế, những tồn tại của ta về các lĩnh vực ấy vẫn còn y nguyên. Đấy là sự lãng phí và làm cho các chuyến đi thăm trở nên vô bổ.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đó, theo tôi, ở đây có trách nhiệm của các đoàn công tác nhưng có lẽ cần nói tới trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền cũng chưa quan tâm, chưa đòi hỏi quyết liệt, vì vậy có nhiều chuyến đi kém hiệu quả. Tục ngữ ta có câu: “Một người lo bằng một kho người làm”. Có lẽ câu nói đó cũng đúng trong trường hợp này. Điều đó chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của cấp trên là rất quan trọng.
Con số đoàn đi công tác nước ngoài trong năm 2013 vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra khiến ông cảm thấy thế nào?
Tôi rất buồn vì những yếu kém trước đây không được khắc phục mà lại càng phát triển theo chiều hướng xấu. Bây giờ vấn đề này đã đến mức báo động, phải chấn chỉnh một cách quyết liệt.
Thực tế cho thấy, nhiều quan chức đi công tác nước ngoài chỉ là cái mốt và cũng vì khi nắm quyền cần ra oai với cấp dưới, bạn bè - rằng công việc của mình rất quan trọng, quan hệ quốc tế cũng tốt, chứ không hẳn đi vì công việc, thưa ông?
Trước hết, theo tôi không nên “vơ đũa cả nắm” mà phải nhìn nhận một cách khách quan về hiệu quả của các chuyến đi nước ngoài. Thực chất số người quan niệm đi nước ngoài là để oai - cái oai với cấp dưới là không nhiều. Tuy nhiên, tình trạng có nhiều đoàn đi mà không cần biết đoàn đi trước đã nghiên cứu được những gì. Đến lượt mình đi là cứ đi. Đó là chưa nói tới những mong muốn đằng sau của các chuyến đi.
Hàng năm các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh đều đưa ra văn bản quán triệt cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài. Thế nhưng như con số Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra cho thấy các yêu cầu đó chỉ là bệnh hình thức. Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng công chức vẫn “ùn ùn” xuất ngoại là do đâu?
Thực chất các văn bản pháp luật cũng chưa đủ độ và cũng do buông lỏng quản lý nên cán bộ đi công tác nước ngoài đã thành cái nết, nó như một cái mốt, bệnh kinh niên, nhiều người không đi không chịu nổi. Bây giờ chấn chỉnh lại khó lắm nên cần phải có thiết chế với “đôi bàn tay sắt” (quy định rất nghiêm minh) để khống chế hoạt động đối ngoại.
Còn thực tế ở nước ta đi nước ngoài hàng ngày được tính khoản công tác phí. Thu nhập ở khoản đó tuy không phải là quá lớn nhưng cũng tương đối. Do vậy, mới dẫn đến việc đi nước ngoài như việc giải quyết chính sách - người này được đi thì người kia cũng được đi. Và cũng do quản lý dễ dãi nên có người năm nào cũng đi và có những người đi nhiều hơn thế mà chưa hẳn đã là do công việc quá đòi hỏi.
Để chấn chỉnh những tồn tại trong việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài, theo ông cần phải làm gì?
Có mấy việc cần làm, nhưng trước tiên ba cơ quan phụ trách đối ngoại của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (Ban Đối ngoại của Đảng, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo, đưa ra các văn bản mang tính chỉ đạo. Tiếp đó, Chính phủ cần có một Nghị định về vấn đề này. Trong Nghị định cần quy định thẩm quyền của đoàn đi và đánh giá kết quả của mỗi đoàn. Vai trò của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là rất quan trọng. Phó Thủ tướng báo cáo, phát hiện như vậy là rất tốt nhưng hết năm 2014 mà tình trạng vẫn cứ như vậy thì phải chịu trách nhiệm. Việc này phải quy trách nhiệm rõ ràng, nếu không anh phải trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)