Ông Phan Văn Mãi: Thành phố cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho người dân
(Dân trí) - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong đợt siết chặt các biện pháp giãn cách.
Trong những ngày gần đây, sau khi nhận được thông tin thành phố sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống Covid-19 từ ngày 23/8, tình trạng người dân thành phố ra đường đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa xuất hiện trở lại.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 21/8, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, kêu gọi người dân cần bình tĩnh, tiếp tục kiên trì các biện pháp giãn cách xã hội, tin tưởng vào chính sách chăm lo của thành phố.
"Thành phố khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Hiện tượng người dân tập trung đông, đổ xô đi mua sắm hàng hóa đã khiến biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn bị ảnh hưởng. Việc tập trung đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM đã kêu gọi người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện "5K + vắc xin + thuốc uống", không tập trung thu gom hàng hóa thực phẩm. Thành phố đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam chiều 20/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phạm Thị Thắng cho biết, từ ngày 23/8, người dân TPHCM bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường/xã/thị trấn cách ly phường/xã/thị trấn.
Theo đó, thành phố dự kiến các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn...) mỗi ngày.
Thành phố đang chỉ đạo Sở Công Thương, phối hợp với 24 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và triển khai xuống phường/xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân, từ đó siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng".