1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Phạm Thế Duyệt: “Không thể chỉ đẩy chính quyền ra để chịu trận”

(Dân trí) - “Đảng biết, không bao biện, không làm thay nhưng để xảy ra như thế không có nghĩa là các cấp ủy không chịu trách nhiệm. Đảng lãnh đạo thì Đảng phải chịu trách nhiệm. Không thể chỉ đẩy chính quyền ra để che chắn, chịu trận”.

Nguyên Ủy viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý các mâu thuẫn dễ dẫn đến mất ổn định xã hội giữa người dân và chính quyền.
 
Ông Phạm Thế Duyệt: “Không thể chỉ đẩy chính quyền ra để chịu trận” - 1
Ông Phạm Thế Duyệt (Ảnh: Tuổi Trẻ)

 

Năm 1997, ông đề xuất cần phải thành lập tổ công tác để giải quyết tình hình mất ổn định ở Thái Bình. Bộ Chính trị đồng ý và cử ông làm Tổ trưởng. Nhân sự kiện vừa diễn ra tại Tiên Lãng - Hải Phòng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về một số kinh nghiệm trong xử lý vụ việc.

 

Không vì quyền lợi của một hay một nhóm người

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng vừa qua?

 

Đây là điều tốt vì nó thể hiện Chính phủ đã nhận thấy và quan tâm đến những bức xúc của người dân dù chỉ là một người, ở một xã. Nhưng gọi là kết luận thì chưa đủ vì nó còn phải xem xét đến tính pháp lý của sự việc, xử lý vụ việc như thế nào cho hợp lòng dân, đúng pháp luật.

 

Bằng kinh nghiệm trong việc xử lý sự kiện Thái Bình trước đây, theo ông việc cần làm ngay ở Hải Phòng lúc này là gì?

 

Việc cần làm ngay là phải ổn định tình hình để phát triển sản xuất. Không để dân hoang mang và cũng không để cán bộ hoang mang. Muốn thế thì phải xử lý thật nhanh chóng, kiên quyết, đúng luật pháp và phải đúng với đạo lý Việt Nam. Phải công minh và công bằng cho mọi phía, không vì quyền lợi của một hay một nhóm người. Cần phải giải quyết tận gốc nguyên nhân xảy ra sự việc không hay này.

 

Đúng với anh Vươn là sẽ đúng với dân

 

Cụ thể đối với gia đình anh Vươn, quan điểm của ông như thế nào?

 

Bất cứ ai sai cũng phải xử lý nhưng không được quy kết, áp đặt. Không phải tự nhiên mà người ta tự sản xuất súng ống để chống lại. “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Xử lý đúng với gia đình anh Vươn là sẽ đúng với mọi người, đúng với dân. Có như thế người dân mới tin tưởng, lòng dân mới an.

 

Còn đối với lãnh đạo các cấp ở Hải Phòng, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, thưa ông?

 

Ở đây phải làm rõ, các cấp ủy đảng xã, huyện, thành phố có biết không? Chắc chắn là phải biết. Biết rồi mà vẫn đồng ý cho thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Đảng biết, không bao biện, không làm thay nhưng để xảy ra như thế không có nghĩa là các cấp ủy không chịu trách nhiệm. Đảng lãnh đạo thì Đảng phải chịu trách nhiệm. Không thể chỉ đẩy chính quyền ra để che chắn, chịu trận. Việc xử lý thấy đúng là phải kiên quyết, dứt điểm, không để xảy ra hệ quả xấu.

 

Không được phép dùng vũ trang để đối phó với dân

 

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cơ bản trong xử lý sự việc ở Thái Bình trước đây hay nói cụ thể, quan điểm và cách tổ chức khi đó là gì và được tiến hành như thế nào, thưa ông?

 

Sự kiện ở Thái Bình khi đó nằm trên một bình diện rộng, diễn ra nhiều xã, nhiều huyện. Quan điểm của Tổ công tác Thái Bình khi đó là tránh bưng bít, thẳng thắn đưa lên thông tin đại chúng để các địa phương khác rút kinh nghiệm đồng thời trực tiếp xuống dân để lấy thông tin chứ không thể chỉ dựa vào báo cáo của cơ quan lãnh đạo.

 

Tổ công tác còn giúp tỉnh có kết luận sự việc một cách khách quan, tránh che chắn, nể nang nên đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Về công việc, tôi làm Tổ trưởng, một đồng chí Phó Thủ tướng làm Tổ phó. Nhưng cũng cần phải có các đồng chí lãnh đạo giúp giải quyết từng lĩnh vực như tuyên giáo để tuyên truyền định hướng dư luận; cơ quan nội chính (công an, thanh tra Nhà nước) tham gia để xem xét về mặt pháp luật và thuyết phục nhân dân; đại diện Tổng cục Ruộng đất để xem xét các vấn đề liên quan đến đất đai; đại diện Bộ Tài chính để rà soát tiền bạc nợ nần ở những địa phương có vấn đề; thành viên Ủy ban Kiếm tra Trung ương và lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương để xem xét khâu nhân sự. Ai để, ai thay thì phải có phương án cụ thể, rõ ràng. Nghĩa là giải quyết việc gì cũng phải dựa vào luật pháp và có nguyên tắc chứ không được làm theo cảm tính. Mọi việc đều phải trở thành quyết định của Đảng bộ Thái Bình.

 

Theo như ông nói thì trong sự kiện Thái Bình, có sự tham gia của quân đội, thưa ông?

 

Có. Nhưng bộ đội tham gia là để vận động, tuyên truyền ở những nơi khó khăn nhất và bảo vệ dân chứ không phải đối phó, đàn áp nhân dân. Quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân chứ quân đội không được tham gia cưỡng chế. Không được phép dùng lực lượng vũ trang để đối phó với dân.

 

Thưa ông, sự việc vừa qua không chỉ là Tiên Lãng, không chỉ Hải Phòng mà nó đặt lại việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở hình như đang có phần xao lãng. Ông có đồng ý với nhận định này?

 

Nhìn chung nhiều năm nay, vấn đề dân chủ cơ sở đã được đảng ủy cơ sở quan tâm, lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt, xã hội ổn định, nhân dân đoàn kết, vui vẻ. Tuy nhiên, nhiều nơi việc triển khai vẫn còn hình thức nên vẫn để biết bao sự việc không hay xảy ra. Gần đây nhất, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá lại chất lượng cán bộ và quan hệ chính quyền với nhân dân.

 

Xin cám ơn ông!

 

Bùi Hoàng Tám

(Thực hiện)