Thanh Hóa:
Nước lũ dâng cao chia cắt hàng trăm hộ dân
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Luồng và sông Lò dâng cao, gây chia cắt hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa).
Sáng ngày 16/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, những ngày qua, cơn bão số 10 không gây thiệt hại nhiều trên địa bàn. Tuy nhiên sau bão, nhiều hộ dân trên địa bàn đang bị chia cắt do nước sông dâng cao.
Theo đó, tại bản Sủa và Na Hồ (xã Sơn Điện), bản Son và Sa Ná (xã Na Mèo), huyện Quan Sơn bị ngăn cách bởi con sông Luồng và bản Nầm (xã Trung Tiến) bị chia cắt bởi sông Lò.
Trong những ngày qua, nước hai con sông này liên tục dâng cao, trong khi chưa có cầu kiên cố bắc qua sông, trong khi cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi khiến các hộ dân bị chia cắt, giao thông đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.
Ông Đạt cho biết, hiện muốn ra vào các bản chỉ có lực lượng thanh niên mới có thể đi qua sông. Hơn nữa, muốn qua sông phải dùng dây để bám và đi bằng bè mảng rất nguy hiểm.
Ông Lê Văn Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, do ảnh hưởng bão, mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước sông Lò và sông Luồng dâng cao gây chia cắt 5 bản tại 3 xã trên địa bàn huyện.
Trong tối ngày hôm qua (15/9) và rạng sáng nay 16/9, trên địa bàn có những đợt mưa lớn, hiện tại mưa đã ngớt và nước sông cũng bắt đầu rút. Trong đó, nước chủ yếu từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông dâng cao hơn khoảng gần 2m.
Cũng theo ông Dung, hiện nay, người dân không sinh sống ở ven sông, suối mà chủ yếu ở trên cao nên không lo bị ngập lụt. Hiện các địa bàn nêu trên đang bị chia cắt bởi sông Lò và sông Luồng.
Trước tình hình trên, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương theo sát tình hình, diễn biến để có hướng ứng phó khi cần thiết. Trước mắt, huyện đã cho lực lượng thanh niên của chính quyền địa phương tiếp cận địa bàn các bản nắm tình hình.
Ông Vũ Văn Đạt cho biết thêm, huyện luôn theo sát tình hình, diễn biến và sẽ có những hỗ trợ khi cần thiết. Hiện cuộc sống của người dân ở các địa bàn trên vẫn ổn định với phương châm bốn tại chỗ.
Người dân muốn qua sông phải đi bè, mảng và đu bám bằng dây thừng, rất nguy hiểm
Tại huyện miền núi Lang Chánh, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết, vào khoảng giữa đêm qua, do mưa lớn, nước sông Âm đang cao, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiến hành sơ tán một số người dân.
Theo đó, khoảng 70 người chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản Trải 2, thị trấn Lang Chánh, nằm bên bờ sông Âm được sơ tán đến những nơi an toàn.
Hiện nước sông Âm cũng đã rút xuống, địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Duy Tuyên