Cận cảnh những cánh rừng nguyên liệu bị bão số 10 phá nát
(Dân trí) - Cơn bão số 10 đã qua được hơn tuần, nhưng người dân ở nhiều xã thị miền núi vẫn đang khóc ròng trước những cánh rừng nguyên liệu bị bão tàn phá như bị... trúng bom.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh là địa phương có số diện tích rừng trồng bị thiệt hại nhiều nhất, với hơn 20.000 ha. Có những địa phương, như ở các xã Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, rừng trồng gần như bị xóa sổ hoàn toàn.
Chỉ tính riêng xã Kỳ Hợp, như lời Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp Phan Văn Duẫn cho biết, toàn xã có 930 ha cây lâm nghiệp (keo, tràm, dó, trầm) thì đã có gần 80% bị ảnh hưởng, trong đó có ½ cây đã đến tuổi thu hoạch. Cây đã 4-5 năm tuổi, đến kỳ thu hoạch thì bị bẻ ngang, đổ sạp; số cây con mới trồng một vài năm tuổi cũng bị quần tả tơi rất khó khôi phục. Kinh tế rừng chiếm 70% tổng nguồn thu của địa phương, bởi vậy, mất mát này sẽ kéo lùi nền kinh tế Kỳ Hợp khoảng 5-10 năm.
Tại lòng hồ Sông Rác nằm giữa địa bàn hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, nhiều cánh rừng trồng, trong đó nhiều cánh rừng giao khoán theo chương trình 661 đã đến ngày khai thác cũng gần như bị xóa sổ.Keo, dó, trầm bị quật đổ ngổn ngang. Người dân quá xót xa khi những khu rừng cây nguyên liệu của họ đã và sắp đến ngày thu hoạch như bãi chiến trường, cây cối giờ chỉ còn như là chông nhọn cắm lên giữa những khu đồi.Những thân cây lớn bị gió quật gãy, xé toạc.
Đứng trước cánh rừng bị gãy đổ, mất trắng của gia đình, ông Dương Kim Sửu, Trưởng ban lâm nghiệp xã Cẩm Minh, huyện cẩm Xuyên thất thần, xót xa: "Công sức gần chục năm trồng, phát dọn, chăm sóc, giờ mất sạch, trắng tay rồi các anh ạ!".
Ngoài keo, dó, tràm, bão số 10 cũng khiến những cánh rừng thông ven biển được ví như khiên che chắn gió, bão cát cũng bị bão tàn phá nghiêm trọng.Một cây phi lao lớn bị bão sô 10 đánh gãy, chỉ trơ lại gốc cây.Theo người dân chịu thiệt hại nặng về rừng trồng, dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản về việc thu gom, thu mua nguyên liệu rừng trồng bị gãy đổ do cơn bão số 10, thế nhưng những cánh rừng đổ nát này hiện có nguy cơ biến thành củi. Lí do, ngoài thiếu thốn nhân lực, chi phí thuê thu gom cao hơn bình thường, đặc biệt là thủ tục kiểm đếm, xác nhận, xuất bán còn quá rườm rà, gây mất thời gian, khiến một bộ phận nhân dân chưa thể thu gom được cây gãy đổ.