Nông nghiệp ĐBSCL xoay trục như thế nào để đối phó với hạn-mặn?
(Dân trí) - Để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo ngày càng khốc liệt, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đã phải xoay trục từ lúa gạo - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.
Nhân dịp đầu năm 2020, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp về câu chuyện xoay trục sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn.
- Được biết thời gian vừa qua ông đã có nhiều chuyến công tác vào ĐBSCL để kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực này. Vậy ông cho biết thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn ra như thế nào?
- Theo thống kê, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 ở ĐBSCL đã gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa, 60.000-70.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, không khôi phục lại được; có thời điểm có đến 500.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và năm đó nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm.
Nhắc lại câu chuyện 2015-2016 để thấy rằng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tác động rất lớn đến khu vực đó và tình hình sản xuất của cả nước. Chúng ta biết ĐBSCL chiếm tới 60% sản lượng lúa, một nửa sản lượng về thủy sản; trái cây, rồi xuất khẩu cơ bản đều ở vùng này thì rõ ràng tác động ngay đến nông nghiệp cả nước.
Hạn hán, xâm nhập mặn 2019-2020 tương đương và có thời điểm còn khốc liệt hơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục 2015-2016. Hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay đến sớm hơn, bắt đầu từ xuất hiện từ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2019, bình thường là vào tháng 1/2020.
Hiện nay, có những chỗ xâm nhập mặn đã vào sâu tới 70km, như ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, một phần của Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nói chung, 7 tỉnh ven biển của ĐBSCL đang bị hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo dự báo của chúng tôi, hạn hán và xâm nhập mặn trong tương lai còn khốc liệt hơn chứ không phải theo quy luật 5 năm 1 lần như trước.
- Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng hán hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL như hiện nay?
Có 3 yếu tố tác động đến ĐBSCL dẫn đến thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn như hiện này, đó là: Thượng lưu các con sông đổ về ĐBSCL như sông Mekong; ảnh hưởng từ phía biển; sự phát triển chính trong nội tại của ĐBSCL.
Hiện nay, trên phía thượng nguồn sông Mekong các nước đã cho xây dựng khá nhiều đập thủy điện nên lưu lượng nước từ con sông này chảy về ĐBSCL rất hạn chế. Do đó, khu vực này luôn phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít nên không đủ để đẩy mặn xâm nhập ra biển.
Từ phía biển, thì do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thủy triều ngày càng có xu hướng dâng cao. Chính vì vậy, nước biển ngày càng đi sâu vào đất liền các tỉnh thuộc ĐBSCL.
Một yếu tố nữa là thời gian gần đây ĐBSCL đã phát triển quá “nóng” về hạ tầng, gồm: khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất,…dẫn đến nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng cao. Để có nước ngọt dùng, người dân đã gia tăng việc khoan các giếng ngầm khiến nhiều khu vực đất bị sụt lún, thấp xuống và khó khăn cho việc đẩy mặn ra biển.
- Trước thực trạng như vậy, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp gì để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn, thưa ông?
- Trong mùa hạn-mặn 2019-2020, chúng tôi tính toán ở ĐBSCL có khoảng 100.000ha lúa, 130.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có khoảng 100.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do dự báo trước và triển khai các giải pháp đồng bộ, tôi khẳng định năm nay mức độ thiệt hại do hạn – mặn ở khu vực này giảm đáng kể.
Cụ thể, ngày từ tháng 9/2019, khi mà ĐBSCL đón lũ về, Bộ NN&PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đối phó với mùa hạn – mặn năm nay. Theo đó, chỉ đạo các địa phương đẩy lịch gieo cấy vụ lúa Đông Xuân sớm hơn 1 tháng. Bình thường vụ Đông Xuân ở đây thu hoạch vào khoảng tháng 2 tháng 3/2020, thì tháng 1/2020 đã bắt đầu thu hoạch rồi, chính vì vậy diện tích lúa là không bị ảnh hưởng.
Về cây ăn trái, chúng tôi đánh giá có khoảng 130.000ha sẽ bị ảnh hưởng. Như chúng ta biết, cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn, mặn thì thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo bằng tất cả các giải pháp làm bờ bao, kênh dẫn… và chủ động tính toán độ mặn để lấy nước tưới, không để ảnh hưởng đến cây ăn trái.
Chúng tôi cũng sẽ gửi bản đồ cảnh báo thiếu nước sinh hoạt và đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân. Rất nhiều địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã kéo dài ống nước ở các nhà máy nước đang có để cấp nước ngọt cho rất nhiều hộ.
- Như ông đánh giá, hạn – mặn ở ĐBSCL tương lai còn khốc liệt hơn hiện tại, vậy ngoài những giải pháp trước mắt ở trên, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp lâu dài chưa, thưa ông?
- Về giải pháp tổng thể thì Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan lập quy hoạch tổng thể cho ĐBSCL theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quy hoạch tổng thể này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải pháp và sẽ giải quyết bài toán về hạn – mặn.
Đối với sản xuất nông nghiệp sẽ phải tái cơ cấu để xoay trục, hiện nay cơ cấu của ĐBSCL vẫn là lúa - trái cây - thủy sản. Nhưng sau năm 2020 thì trục sản xuất sẽ là thủy sản - trái cây - lúa gạo. Như vậy lúa sẽ giảm đi để tăng trái cây và đặc biệt là thủy sản sẽ được đưa lên làm ngành mũi nhọn.
Chúng ta phải coi nước ngọt, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để sản xuất nông nghiệp. Để tái cơ cấu xoay trục ở ĐBSCL thành công thì đòi hỏi các công trình thủy lợi phải đáp ứng.
Hiện nay ở ĐBSCL đang xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi đáp ứng đa mục tiêu, như: phục vụ nước sản xuất nông nghiệp, nước sạch nông thôn, nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất,…Do đó, các công trình thủy lợi này có thể điều hòa được mặn – ngọt.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)