Nông dân dỡ bàn thờ làm xe chở lương thực lên chiến trường Điện Biên Phủ
(Dân trí) - Nhà nghèo không có xe đạp, một nông dân ở Thanh Hóa đã tháo cả bàn thờ gia tiên, tự mình đóng xe cút kít bằng gỗ, tham gia vận chuyển lương thực tiếp tế lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Ông là Trịnh Đình Bầm, người nông dân chất phác quê ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Hành động của ông đã tạo nên kỳ tích phi thường, khẳng định sự sáng tạo kỳ diệu và sức mạnh lòng dân, góp phần vào chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Dỡ bàn thờ làm bánh xe cút kít
Những ngày tháng 5 lịch sử, căn nhà nhỏ của gia đình ông Trịnh Đình Tân (SN 1969, con trai ông Trịnh Đình Bầm) ở thôn Duyên Thượng 2, xã Định Liên, huyện Yên Định đón đông đảo người dân, các sở, ban, ngành ghé thăm.
"Mỗi dịp cận kề ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình vinh dự được mời tham gia các sự kiện, hội nghị tại địa phương. Không chỉ vậy, để tưởng nhớ đến cụ thân sinh ra tôi, nhiều người dân thường đến tận gia đình để thắp hương, trò chuyện cùng gia đình. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào trước những công lao to lớn mà cha để lại", ông Tân bày tỏ.
Ông Tân kể, từ khi còn nhỏ đã nhiều lần được nghe cha kể về "chiến tích" hào hùng, cùng hàng trăm dân công Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp tế vào chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó có câu chuyện cha ông mạnh dạn dỡ bàn thờ chế tạo xe cút kít làm phương tiện tải lương.
Thời điểm đó, Thanh Hóa huy động sức người, sức của, dốc toàn lực, trở thành một trong những hậu phương vững chắc cho tiền tuyến Điện Biên Phủ. Tại nhiều địa phương, người dân, thanh niên trai tráng trong làng xung phong tình nguyện tham gia vào đoàn dân công để vận chuyển lương thực tiếp tế vào chiến trường.
Nông dân Trịnh Đình Bầm khi đó ngoài 20 tuổi, mặc dù đã có vợ con nhưng vẫn hăng hái tham gia dân công. Tuy nhiên, trước ngày chuẩn bị lên đường đi tải lương, do gia đình nghèo khó, không có xe đạp, nếu vận chuyển bằng quang gánh không được bao nhiêu, ông Trịnh Đình Bầm băn khoăn chưa biết làm cách nào.
Sau những trăn trở, ông nghĩ đến việc chế tạo chiếc xe đẩy bằng gỗ (xe cút kít) để có thể vận chuyển được nhiều lương thực.
"Để làm chiếc xe cút kít, bố tôi bắt đầu đi tìm những mảnh gỗ, ván trong nhà làm vật liệu. Nhưng đến khi chuẩn bị hoàn thành thì phần bánh xe lại thiếu một mảnh nhỏ, ông đi tìm khắp nhà nhưng chẳng còn miếng gỗ nào. Sau khi ngước nhìn lên bàn thờ gia tiên, ông nảy ra ý nghĩ táo bạo: lấy ván bàn thờ.
Sau đó ông bàn với bố mẹ để xin phép lấy tấm ván bàn thờ làm bánh xe, nhưng ai cũng lo sợ. Cuối cùng, sau nhiều đắn đo, ông quyết tâm thắp hương xin gia tiên được lấy bàn thờ làm bánh xe cút kít", ông Tân kể.
Chiếc xe cút kít được sáng chế với chiều dài hơn 200cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre và bánh xe được ghép từ 3 mảnh gỗ khác nhau, trong đó có một mảnh gỗ được lấy từ một phần bàn thờ gia tiên.
Sau khi chế tạo thành công chiếc xe cút kít, ông Bầm tham gia vận chuyển lương thực trên đoạn đường từ kho lương Sánh - Lược (huyện Thọ Xuân) lên Phố Cống - Trạm Luồng (huyện Ngọc Lặc).
Trong vòng 4 tháng, trung bình 3 ngày một chuyến, người nông dân ưu tú của xứ Thanh vượt những con dốc, đèo núi dài hơn 20km, vận chuyển lương thực phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau này, qua thống kê của cơ quan chức năng, ông Trịnh Đình Bầm đã vận chuyển khoảng 12.000kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện chiếc xe cút kít nguyên bản của ông Trịnh Đình Bầm được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Người chở hàng nổi tiếng cả huyện, đi đêm không cần đèn
Ông Tân chia sẻ, vốn là con cả trong gia đình có 5 anh em, vì gia cảnh nhà nông nghèo khó nên từ nhỏ ông Bầm đã có đức tính cần cù, chịu khó. "Khi bố mẹ mất, một mình cha tôi lam lũ làm việc để nuôi các em khôn lớn. Tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động trước quá khứ vẻ vang do ông để lại", ông Tân tâm sự.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất, ông Bầm trở về quê hương làm công việc vận chuyển hàng ở nhà máy chuyên về thực phẩm. Với thân hình to cao, khỏe mạnh, ông Bầm được mọi người nể phục bởi biệt tài chở hàng. Thậm chí, khi nhắc đến tên ông Bầm, ai cũng tấm tắc khen vì ông chở hàng khỏe.
"Thời gian đi chở hàng ở nhà máy thực phẩm, ông khiến nhiều người nể phục bởi sức khỏe và độ dẻo dai. Trung bình mỗi chuyến đạp xe chở hàng của ông có trọng lượng 1,5-2 tạ. Điều đặc biệt, mặc dù bị dị tật một mắt nhưng ông rất giỏi khi chở hàng ban đêm mà không cần dùng đến đèn pin", ông Tân nói.
Làm ở nhà máy thực phẩm được ít năm, ông Bầm trở về kinh doanh cửa hàng thực phẩm tại nhà. Theo ông Tân, không chỉ có sức khỏe, cần cù, chịu khó, ông Bầm còn được nhiều người yêu quý vì tính tình hiền lành và thương người.
Ông Tân nhớ lại kỷ niệm năm 1984, có cặp vợ chồng sinh đôi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên nhờ ông Bầm nuôi hộ một bé trai. Mặc dù gia đình có tới 8 người con, nhưng ông Bầm vẫn vui vẻ nhận lời, đưa cậu bé đó về làm con nuôi.
"Cả cuộc đời cha tôi vất vả, lam lũ, hy sinh vì đất nước, vì con cháu. Năm 1994, ông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Trong số 8 người con của ông, có anh trai tôi là Trịnh Đình Nhân cũng từng nối tiếp truyền thống yêu nước của bố, tham gia chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Campuchia. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên căn dặn các cháu phát huy tinh thần và đức tính của ông để góp phần xây dựng quê hương, đất nước", ông Tân chia sẻ.
Chị Trịnh Thị Nhàn (SN 1984, cháu nội ông Bầm) chia sẻ, từ thời đi học đến nay, mỗi khi nghe nhắc đến chiến công, thành tích của ông nội, chị Nhàn cảm thấy bồi hồi xúc động và tự hào.
"Trong ký ức của tôi, ông là một người lao động cần cù, chịu khó. Là thế hệ con cháu của ông, chúng tôi rất đỗi tự hào và xúc động. Mong rằng thế hệ sau này, các con của tôi cố gắng phát huy được tinh thần đó để cống hiến sức mình vào sự phát triển của đất nước", chị Nhàn bày tỏ.
Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công.
Đặc biệt, Thanh Hóa còn huy động hơn 10.000 xe đạp thồ; 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 ô tô, 180 xe trâu vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay có nhiều tư liệu, hiện vật thể hiện vai trò của người nông dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm là hiện vật hết sức tiêu biểu, minh chứng cho tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của người nông dân Việt Nam.