1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nông dân Bình Định gượng dậy sau sự cố vỡ đê

(Dân trí) - Ngay sau khi sự cố vỡ đê Gò Ông Ngôn (thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) được khắc phục, người nông dân ở xã Phước Hòa đang căng mình ra đồng khắc phục sa bồi, thủy phá để gieo sạ kịp đón Tết.

Bình Định: Nông dân “gồng mình” khắc phục sa bồi, gieo sạ kịp đón Tết

Chiều 8/1, ghi nhận của PV Dân trí, đoạn đê dài gần 70 mét ở Gò Ông Ngôn đoạn giao giữa hai thôn Bình Lâm và thôn Hữu Thành (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) bị vỡ cách đây gần 1 tháng do đợt lũ hồi cuối năm 2016 đã được khắc phục.

Ngay sau khi nước rút, nông dân tất bật mang cuốc, cùng các phương tiện cơ giới xuống ruộng khắc phục sa bồi, thủy phá chuẩn bị gieo sạ kịp đón Tết. Thế nhưng, điều nông dân lo lắng đoạn đê mới được khắc phục tạm thời nếu gặp mưa lớn có thể tiếp tục vỡ thì toàn bộ diện tích lúa mới gieo sạ sẽ bị ngập nước hư hỏng. Chưa kể đến việc gieo sạ chậm so với thời vụ sẽ khó kiểm soát tình hình sâu bệnh, năng suất có thể ảnh hưởng, dẫn đến chuyện người dân lo thiếu ăn đến giáp hạt đang hiển hiện.

Nước rút, nông dân tỉnh Bình Định hối hả ra đồng khắc phục sa bồi chuẩn bị gieo sạ cho kịp đón Tết
Nước rút, nông dân tỉnh Bình Định hối hả ra đồng khắc phục sa bồi chuẩn bị gieo sạ cho kịp đón Tết

Nước vừa rút, nông dân Sáu Lộc (68 tuổi, thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa) vội vác cuốc ra ruộng đắp bờ, thuê máy cày làm đất chuẩn bị gieo sạ sớm ngày nào hay ngày đó.

“Trận lũ kinh hoàng cuối năm 2016, khiến 6 sào ruộng của gia đình tôi bị chìm trong nước lũ hơn 1 tháng nay. Nước rút, tôi lo làm đất để ngày mốt gieo sạ, nhưng còn gần 2 sào bị sa bồi nặng chưa khắc phục kịp nên không dám ngâm giống. Đúng thời vụ, lúa bây giờ đã sạ được hơn 1 tháng thì giờ xanh tốt rồi. Nhưng gặp 5 trận lũ chồng lũ, ruộng đồng chìm trong biển nước không thể gieo sạ. Bây giờ mới gieo sạ thì phải qua tháng 2 âm lịch lúa mới trổ, lúc đó gặp gió nồm lúa dễ bị lép, mất mùa điều dễ xảy ra”- ông Lộc cho biết.

Đang đắp bờ đám ruộng nước còn rút chưa hết, bà Lê Thị Hoa (50 tuổi, trú thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa), thở dài: “Hiện nay, đã quá lịch gieo sạ hơn 1 tháng nhưng nước còn ngập lênh láng làm sao mà sạ. Mới cách đây 3 ngày, đoạn đê Gò Ông Ngôn bị vỡ vừa vá xong lại tiếp tục vỡ, nước ngập trở lại nên tôi chưa dám ngâm giống. May mà bây giờ đê đã vá lại rồi nhưng tôi vẫn lo vì sợ đê vỡ lần nữa, nếu mình gieo sạ xuống thì chỉ có mất trắng. Tình hình này, nguy cơ người dân thiếu lúa ăn đến khi giáp hạt là cái chắc. Tết này cũng chẳng có gì vui mà mong chờ Tết đến”.

Hàng trăm ha đất sản xuất lúa bị sa bồi, thủy phá chưa thể khắc phục, người dân không thể sản xuất có thể thiếu đói
Hàng trăm ha đất sản xuất lúa bị sa bồi, thủy phá chưa thể khắc phục, người dân không thể sản xuất có thể thiếu đói

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cho biết: “Sau 5 trận lũ, gần 70m đê sông Gò Ông Ngôn cao hơn 2m bị cuốn sạch và xới sâu hơn 4m tạo thành một dòng sông nhỏ, khiến cho tiến độ sản xuất vụ lúa Đông Xuân bị chậm trễ. Chưa kể 350 ha lúa vùng ven nhánh sông Nha Phu đã được gieo sạ trước đó cũng bị hỏng do ngập úng, đổ ngã trong bùn đất, nhiều thửa ruộng bị đất cát bồi lấp. Sau khi lũ rút, các lực lượng công an, bộ đội… hỗ trợ hàn khẩu tuyến đê, thu dọn đất, cát bồi lấp dưới ruộng, giúp dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất”.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 1.500 ha ruộng lúa bị sa bồi, thủy phá vì mưa lũ. Hiện nay, các lực lượng vũ trang Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đóng quân trên địa bàn tỉnh Bình Định, cùng các lực lượng tại địa phương tỏa đi khắp nơi giúp dân khắc phục sa bồi, thủy phá, hàn khẩu đê, giúp bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Mưa lũ cộng với đê Gò Ông Ngôn ở (xã Phước Hòa) bị vỡ đoạn dài gần 70 mét khiến hàng trăm ha đất sản xuất lúa bị ngập nên chậm lịch gieo sạ cả hơn 1 tháng
Mưa lũ cộng với đê Gò Ông Ngôn ở (xã Phước Hòa) bị vỡ đoạn dài gần 70 mét khiến hàng trăm ha đất sản xuất lúa bị ngập nên chậm lịch gieo sạ cả hơn 1 tháng
Đê Gò Ông Ngôn mới được khắc phục, nước rút nên người dân xã Phước Hòa hối hả ra đồng khắc phục sa bồi chuẩn bị gieo sạ cho kịp đón Tết
Đê Gò Ông Ngôn mới được khắc phục, nước rút nên người dân xã Phước Hòa hối hả ra đồng khắc phục sa bồi chuẩn bị gieo sạ cho kịp đón Tết
Những phụ nữ dốc sức kéo đất san cho phẳng mặt ruộn để chuẩn bị sạ lúa giống
Những phụ nữ dốc sức kéo đất san cho phẳng mặt ruộn để chuẩn bị sạ lúa giống
Trên khắp các cánh đồng tỉnh Bình Định, bà con nông dân đang tích cực làm đất để gieo sạ theo phương châm càng sớm càng
Trên khắp các cánh đồng tỉnh Bình Định, bà con nông dân đang tích cực làm đất để gieo sạ theo phương châm càng sớm càng
Bà Hoa lo lắng vì đám ruộng nước chưa rút hết nên bà chưa dám ngâm giống
Bà Hoa lo lắng vì đám ruộng nước chưa rút hết nên bà chưa dám ngâm giống
Những đám ruộng bị lũ cuốn xói sâu, nông dân phải dùng trâu kéo đất từ nơi cao để san phẳng mặt ruộng
Những đám ruộng bị lũ cuốn xói sâu, nông dân phải dùng trâu kéo đất từ nơi cao để san phẳng mặt ruộng

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm