1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nỏng bỏng” việc tăng phí trông giữ xe

(Dân trí) - Đề án về thu phí, lệ phí liên quan đến việc điều chỉnh rất nhiều loại phí khác nhau, sát sườn với người dân thành phố đã được đặt lên bàn họp của HĐND sáng nay (11/7). Hầu hết các ý kiến phát biểu đều “dồn” vào việc nên tăng phí trông giữ xe máy như thế nào cho hợp lí...

Trường học, bệnh viện, chợ nên thu phí trông xe thấp

Đại biểu Trần Văn Quỳnh cho rằng phí trông xe máy phải tính theo vùng, theo loại xe. Chẳng hạn đối với các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn mức trông xe 1.000 là được nhưng trong các khu phố cổ mức phí phải cao hơn. Các loại xe đắt tiền như SH, @ thì giá trông cũng không nên đánh đồng hạng với xe Hon da.

Cũng theo ông Quỳnh, mức phí trông giữ xe máy tại bệnh viện, trường học, chợ nên thu thấp hơn các nơi khác. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ của các phát biểu sau đó vì nhiều lẽ:

Đối với các chợ, việc thu phí thấp sẽ thu hút được nhiều người đến chợ, mang lại các nguồn thu khác, góp phần phát triển kinh tế đồng thời hạn chế việc người dân mua bán ở ngoài cổng chợ với tâm lí không muốn gửi xe gây nên lộn xộn và khó quản lí về an toàn thực phẩm.

Các bệnh viện là nơi đến của người ốm đau, hoàn cảnh và cũng có lượng xe rất lớn nên không thể thu như mặt bằng chung. Việc thu thấp ở các trường học cũng hạn chế việc phụ huynh học sinh chờ đợi bên ngoài cổng các trường, ảnh hưởng đến giao thông thành phố.

Đại biểu Hoài Nam có cùng quan điểm thu phí cao ở trong khu vực nội thành. Ông Nam cho rằng ông chưa biết khung khống chế cụ thể của Bộ Tài chính nhưng nếu có thể, thành phố mạnh dạn nâng lên mức 5.000 đ/lượt. Phí cao như vậy có thể là một biện pháp góp phần vào việc dãn bớt mật độ giao thông trong nội thành. Hơn nữa, người dân ở khu vực này thừa hưởng cuộc sống cao hơn nên mức phí cũng cao hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tỵ cho rằng nghĩa tử là nghĩa tận cho nên không những không nên nâng mức phí khai tử từ 3 ngàn lên 5 ngàn như tờ trình mà nên bỏ loại phí này.

Đối với vấn đề thu lệ phí nước thải vào các công trình thuỷ lợi, đại biểu Nguyễn Thế Phúc đề nghị phải nghiên cứu thấu đáo, gắn với các qui định khác. Làm sao để không đánh đồng theo kiểu đã nộp phí thì cứ việc xả chất thải thoải mái. Nếu điều này diễn ra sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như ảnh hưởng tới các sản phẩm nông nghiệp.

Chủ toạ phiên họp đã thống nhất ý kiến bỏ phí khai tử, giao cho UBND TP xem xét ý kiến về việc thu phí trông giữ xe thấp hơn tại các bệnh viện, trường học, chợ. Riêng với ý kiến thu phí xe trông giữ xe máy theo loại xe và kích cỡ thì không thể ứng dụng vì như vậy sẽ rất phức tạp.

Giáo viên sợ “mác” tư thục

Tờ trình về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá trong một số lĩnh vực đô thị, y tế, văn hoá, giáo dục cũng nhận được rất nhiều đóng góp “nóng bỏng” của các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thế Phúc tỏ ra lo lắng đối vấn đề tận dụng mương, sông làm bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí (bằng cách đổ bê tông bên trên). Cái lí ông Phúc đưa ra là cách làm này sẽ ảnh hưởng tới việc thoát nước, một vấn đề rất nan giải của thành phố. Thời gian qua rất nhiều ao hồ đã bị lấp đi khiến cho vấn đề thoát nước của thành phố ngày càng trở nên tệ hại.

Theo ông Phúc, trong trường hợp thực hiện cách làm này, phải có qui định, mương rộng bao nhiêu, sâu bao nhiêu thì được sử dụng. Cùng đó, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu có nằm trong diện được bê tông hay không và nếu có phải bàn kĩ lưỡng. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, sông là để làm phố nên việc bê tông hoá bên trên sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan rất nhiều.

Về việc chuyển trường bán công sang dân lập, tư thục theo đại biểu Nguyễn Thị Nhiếp là mới chỉ quan tâm đến việc chuyển đổi đất đai, tài sản mà chưa chú ý tới yếu tố con người. Theo bà Nhiếp, dù là trường có hay chưa có thương hiệu thì việc chuyển đổi vẫn chưa làm giáo viên yên tâm. Nhiều giáo viên rất sợ “mác” tư thục, thậm chí mới rục rịch triển khai chuyển đổi, giáo viên đã xin thi sang trường khác.

“Quan niệm của nhiều giáo viên là tư thục dù lương cao cũng không yên tâm bằng biên chế”, bà Nhiếp nhấn mạnh. Mối lo ngại của giáo viên là sau khi chuyển sang tư thục, người “mua” trường đó liệu có sử dụng mình lâu dài.

Việc chuyển sang tư thục cũng khiến nhiều phụ huynh liên tục gọi điện đến trường. Có phụ huynh nói “trắng” ra với bà Nhiếp: “chúng tôi gửi con trường bán công, bây giờ lại ra tư thục, chúng tôi bị lừa à”.

Đại biểu Phạm Thị Thành cho rằng, còn nhiều tiêu cực trong quản lí mà cơ chế cần phải xiết chặt để hạn chế. Đó là việc muốn quảng cáo về văn hoá nghệ thuật, người có nhu cầu phải có phong bì cho người quyết định. Hay tại các bến xe, các xe tư nhân, xe của Cty TNHH muốn vào được cũng phải... chi tiền.

Còn rất nhiều ý kiến đóng góp vào các khía cạnh khác nhau của tờ trình, cần phải tiếp thu và cần có những điều chỉnh về mặt văn bản nên tờ trình được hoãn thông qua đến ngày họp cuối cùng của kì họp.

Cấn Cường