Bế tắc với nhà siêu mỏng, siêu méo

(Dân trí) - Vấn đề <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/9/139713.vip">nhà siêu mỏng, siêu méo</a> được đưa ra chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Tô Anh Tuấn, nhưng câu trả lời của ông nghe vẫn “quen quen” như vài kỳ họp trước. Phiên chất vấn vị lãnh đạo Sở này vì thế sớm rơi vào bế tắc.

Cầu Vĩnh Tuy chậm tiến độ hơn 1 năm mà chi phí phát sinh vẫn trong dự toán cũng là vấn đề được đặt ra gay gắt trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư sáng nay.

 

Vẫn câu trả lời cũ

 

Trước khi chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ông Tô Anh Tuấn, các đại biểu đã được xem phóng sự về nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến phố Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Nhưng ông Tuấn vẫn cho rằng nhà siêu mỏng đã giảm so với nhiều tuyến phố khác, nhà siêu méo thì không có.

 

Về sự tồn tại của nhà siêu mỏng, ông Tuấn đưa ra hàng loạt nguyên nhân: chủ công trình thiếu ý thức tuân thủ các quy định hiện hành, thiếu chủ động hợp thửa, hợp khối; các quận, phường chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm; các cơ chế của nhà nước chưa đầy đủ, thiếu thích ứng với các trường hợp cụ thể...

 

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng ông Tuấn đã nói đến trách nhiệm của nhiều bên nhưng chưa nói đến trách nhiệm lãnh đạo của Uỷ ban. Bà An nêu câu hỏi về số lượng nhà sai phép, không phép trên toàn thành phố hiện nay và biện pháp khắc phục. Ông Tuấn “thú thật” là chưa nắm được con số này mà chỉ có thể nắm được số liệu tại một số tuyến phố. Về giải pháp, ông Tuấn vẫn lặp lại các giải pháp cũ như hợp thửa, hợp khối, mở đường song song với việc xây dựng tuyến phố.

 

Đại biểu Ngô Văn Ny giơ tập văn bản của kỳ họp thứ 6 dài 6 trang, lên tiếng: “Tôi tìm lại văn bản trả lời của kỳ họp thứ 6 thì thấy rằng lần trả lời này của ông Tuấn không có gì khác, vẫn là các biện pháp chung chung trong khi tình hình chưa có gì chuyển biến”. Ông Ny đặt vấn đề: Liệu HĐND TP có phải ra một nghị quyết về diện tích bao nhiêu thì không được xây dựng?

 

Ông Vũ Duy Hùng, đại biểu tổ Đống Đa, thẳng thắn: Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo là do cơ quan quản lý “đẩy dân vào tình trạng này” vì chính sách đền bù, tái định cư làm khó cho người dân, để họ thiệt thòi nhiều. “Lỗi chính phải xem xét trong bộ máy của chúng ta, trách nhiệm chính là ở tính vô cảm của cán bộ, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng, Ủy ban”, ông Hùng gay gắt.

 

Đại biểu Vũ Đức Tân không ngại nhận định rằng ông Tuấn chưa đủ tầm để trả lời vấn đề này vì tính chất liên quan đến nhiều ngành.

 

Chậm 1,5 năm phát sinh 150 tỉ tiền lãi

 

Giải trình về tiến độ cầu Thanh Trì, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Đình Phúc cho biết, đến nay công trình đã chậm 5 tháng so với mục tiêu thành phố giao (thời hạn mới là hết quý II năm 2008).

 

Ông Phúc chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng không làm thoả mãn các đại biểu. Bà Phạm Thị Loan “khai hỏa”, bác lại lời ông Phúc. Bà Loan phân tích: nói nguyên nhân do giải phóng mặt bằng và cơ chế thay đổi nhưng giải phóng mặt bằng thì không cản trở đến việc thi công phần lòng sông, vậy mà đến giờ cầu vẫn chưa hợp long. Thêm nữa, nhiều khu vực 2 đầu cầu (đường đê sông Hồng và nút đường 5) đều được giao mặt bằng đúng tiến độ mà không hề triển khai gì thì không thể nói nguyên nhân là “khó vì dân”.

 

Ông Phúc đáp gọn: “Trách nhiệm đôn đốc thuộc về chủ đầu tư” và quay qua vấn đề năng lực nhà thầu. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Lê Văn Hoạt ngồi bàn chủ tọa “bắt” vào ngay: “Đây là dự án được chỉ định thầu. Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan chuyên môn được UBND giao chọn nhà thầu bây giờ quay lại nói năng lực nhà thầu kém thì trách nhiệm lực chọn của cơ quan chuyên môn thế nào?”. Ông Phúc “xuống nước”, xác nhận có thể phải rà soát lại từ đầu.

 

Phần chất vấn tiếp tục tăng nhiệt khi đại biểu Phạm Thị Loan xoáy tiếp vào vấn đề chi phí phát sinh do chậm tiến độ. Dự án cầu Vĩnh Tuy có tổng dự toán là 3.500 tỉ đồng, trong đó gần 1.600 tỉ là nguồn vốn vay của dân (thông qua phát hành trái phiếu). Với khoản vay này, lãi suất mỗi năm lên tới hơn 90 tỉ đồng. Bà Loan nêu câu hỏi: “Tiến độ thi công có thể chậm tới 1,5 năm, ai sẽ chịu trách nhiệm trả khoản lãi suất phát sinh gần 150 tỉ đồng?”.

 

Ban đầu, ông Phúc lý giải tiền rót cho dự án theo kiểu làm tới đâu thanh toán tới đó nên có chậm không phải lo tới chi phí chậm tiến độ. Nhưng với phân tích về khoản vốn vay trong dân của bà Loan, ông chỉ đáp: việc chi phí không vượt tổng dự toán.

 

Bà Loan chưa hài lòng: “Vậy cách tính tổng dự toán như thế nào vì rõ ràng phát sinh rất lớn, ít nhất là 90 tỉ đồng/năm”. Bà Loan đặt dấu hỏi, chẳng lẽ chi phí phát sinh do 1,5 năm chậm tiến độ lớn đến vậy mà đã được tính sẵn trong dự toán ban đầu.

 

Cấn Cường - Phương Thảo