1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tẩy chay” Nghị quyết hình thức

(Dân trí) - 64,13% đại biểu đã biểu quyết, thống nhất chưa thông qua Nghị quyết về những giải pháp, chính sách phát triển kinh tế thủ đô sau khi gia nhập WTO trong buổi làm việc chiều qua, kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội. Nghị quyết được cho là “không thông” ở cả 8 giải pháp lớn đưa ra.

“Chung chung” để dễ… biện minh?

 

Đại biểu Bùi Thị An mở màn “tấn công” giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của thủ đô. Bà An cho rằng giải pháp đưa ra quá dàn trải, không xây dựng được những lĩnh vực, nhóm hàng cạnh tranh trọng điểm. “Nếu không có đột phá thì thực hiện rất khó” - bà An khẳng định.

 

Các đại biểu lập tức tiếp sức cho bà An với những phát biểu “phê” mạnh dự thảo Nghị quyết. Ông hội đồng Vũ Đức Tân đề nghị để Nghị quyết này đến kỳ họp sau (cuối năm 2007) bàn xét tiếp và gợi mở hướng xây dựng Nghị quyết tập trung vào vấn đề thị trường. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thành phố phải thể hiện mình là một trung tâm thị trường lớn, xứng tầm. Cạnh tranh trong WTO nghĩa là phải trở thành những nhà buôn đích thực.

 

Ngay lập tức, đại diện từ khối doanh nhân, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường có ý kiến ngay về những điểm khó cho doanh nghiệp thể hiện trong Nghị quyết. Bà tỏ ý băn khoăn về giải pháp rà soát, sửa đổi những quy định chưa phù hợp với cam kết WTO mà UBND thành phố đề xuất nhưng lại không đưa ra lộ trình cụ thể, việc này sẽ ngăn trở quá trình hội nhập sâu vào WTO.

 

Ngược lại, có một số giải pháp thành phố đề ra và có lộ trình đến năm 2010 thì bà Hường lại cho rằng “hoàn toàn có thể ban hành và thực hiện ngay, không cần chờ”. Ví dụ, những dịch vụ công như thuế, hải quan được thực hiện trực tuyến qua mạng, việc xây dựng cổng thương mại điện tử của thành phố, đã có khá lâu nhưng đến nay gần như chỉ là một “tập rỗng”, không khai thác được gì trong khi kỹ thuật này hoàn toàn có thể thực hiện được ngay.

 

NSND Phạm Thị Thành không giấu vẻ gay gắt khi phát biểu ý kiến: “Tôi thấy Nghị quyết ở tầm vĩ mô, giải pháp lớn quá, chung chung quá mức, không có gì cụ thể”. Bà dẫn ngay giải pháp bảo vệ, phát huy văn hoá dân tộc, phân tích: phải đưa ra việc làm cụ thể, chí ít là tập trung vào hoạt động gì, còn nói phát huy, bảo vệ văn hoá dân tộc, chúng ta đã nói hơn 10 năm nay rồi.

 

Bà Thành cũng đặt ra yêu cầu Nghị quyết phải đưa ra được “giải pháp đột biến”, đặt lộ trình từng chặng kế hoạch 3 năm, 5 năm… để có hướng phấn đấu cụ thể. Không hạ giọng, bà buông lửng một câu hỏi: Có phải nói chung chung thế này để kể cả làm được hay không làm được đều dễ… biện minh?

 

Nghị quyết hình thức?

 

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng nhận xét thẳng thắn việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của UBND thành phố: Nghị quyết gần như “bê nguyên xi” từ đề án 20 của Thành uỷ sang, từ nội dung đến câu chữ, không cụ thể hoá được gì từ những đường lối mà Thành uỷ đề ra.

 

“Tôi đề nghị với tư cách của một đại biểu không ban hành Nghị quyết kiểu hình thức thế này” - ông Hưng khẳng định 2 lần quan điểm của mình.

 

Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình “phản pháo” bằng một đoạn trình bày những khó khăn, tâm huyết khá dài nhưng có vẻ không đủ thuyết phục. Ông cho rằng, nếu đòi hỏi giải pháp cụ thể thì có “ti tỉ việc có thể liệt kê”.

 

Ông cũng dành thời gian “chia sẻ” khá nhiều về gợi ý lãnh đạo thành phố phải “giả trang vi hành” để kiểm tra cán bộ cấp dưới, để thấy thực chất hiệu quả những cải cách hành chính của Hà Nội cho đến nay. Ông cau mày khi nói đến chữ “đau đớn” khi xác nhận: không cần phải vi hành, ngay trong gia đình, những người thân của ông cũng gặp không ít những câu hạch sách, cửa quyền kiểu “Đi đâu đấy? Việc gì? Hỏi ai?” ở các cơ quan hành chính nhà nước.

 

Đến câu cuối cùng, ông Bình hạ giọng “xin hội đồng” thông qua Nghị quyết với lời hứa: “Trước mắt hội đồng cho chủ trương để Uỷ ban có được cơ chế vận hành, cần thiết, sau này chúng tôi sẽ tiếp thu, bổ sung”.

 

Tuy thế, đánh giá tổng kết lại, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Quang Nhuệ cũng ủng hộ ý kiến chưa thông qua Nghị quyết. Ông Nhuệ phân tích: “Nếu thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn thì Nghị quyết sẽ khó đi vào đời sống”. Do việc chuẩn bị chưa được kỹ, chưa cụ thể hóa được Đề án của Thành ủy, ông đề nghị HĐND biểu quyết chưa thông qua, để cho UBND tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết và sẽ xem xét tiếp trong kỳ họp tới.

 

Phương Thảo - Cấn Cường